Đọc bài viết "Tôi bình thản khi thấy thiên hạ khoe con", tôi rất hoan nghênh thái độ lạc quan của tác giả Vũ Thị Minh Huyền. Nhưng trong cuộc sống, nói lúc nào cũng dễ hơn làm. Tôi nghĩ rằng khi nghe người khác khoe con thì ai cũng phải suy nghĩ, bận tâm cả. Còn việc bạn có gây áp lực cho con mình hay không và áp lực đến đâu lại là chuyện khác.
Con tôi đang học lớp 5 - năm cuối của bậc tiểu học. Thực ra, con cũng được coi là "con nhà người ta" trong mắt nhiều người. Nhưng nói thực, tôi chẳng bao giờ khoe gì về con trước mặt người khác cả. Đó cũng là cách để tránh những bình luận ác ý không cần thiết của người ta. Ấy thế mà vẫn có một số người khó chịu và cà khịa ngược lại và tôi buộc phải chấp nhận những lời đàm tiếu đó.
Tất cả những gì tôi làm với con ở thời điểm hiện tại là cố gắng không trách mắng về chuyện điểm số của con. Tôi chỉ cần con hiểu bài là được, còn đúng hay sai gì là cơ hội để con rút kinh nghiệm cho những lần sau. Thế nên, con tôi học rất vui vẻ. Tôi cũng không bao giờ so sánh con mình với người khác, tránh cho con cảm thấy tự ti về bản thân mình. Tôi còn dạy cho con biết thể hiện bản thân ở một mức độ nào đó khi cần chứ không chỉ nhút nhát, khiêm tốn một cách cực đoan.
Ở cấp tiểu học, việc khó nhất theo tôi đó là rèn cho con tính tự giác và sự nghiêm túc trong học tập, biết tôn trọng thầy cô, bất kể là giáo viên dạy môn gì. Áp lực học tập ở mỗi cấp sẽ khác nhau, nên tôi nghĩ con mình vẫn còn một chặng đường rất dài phái trước để có thể nỗ lực và thay đổi những điểm còn chưa tốt của mình. Những bậc làm cha mẹ nên biết con mình thực sự đang ở trình độ nào, để có thể định hướng cho con một cách phù hợp. Đừng bắt những đứa đứa trẻ phải giỏi ngay, hoàn hảo ngay từ lúc bắt đầu.
>> Tôi không để con trốn tránh áp lực học tập
Tôi còn nhớ hồi con còn học lớp 1, 2, rất nhiều phụ huynh nói rằng không cần con em mình phải học quá áp lực, không cần phải giỏi nọ kia. Thế nhưng, phần lớn những người nói như vậy chẳng là vì con họ không đạt kết quả như mong muốn, hoặc thích thể hiện bản thân là người tiến bộ... Nhưng lên lớp lớn hơn một chút, chính những phụ huynh đó lại là người bị sốc trước tiên khi con họ ngày càng bị bỏ xa. Thế nên, cha mẹ cần có thái độ đúng đắn thì con cái mới có ý thức học tập và phấn đấu từng ngày.
Nói đến đây, chắc hẳn sẽ có người phản biện tôi rằng: "Học nhiều để làm gì? Về sau chắc gì đã cần đến những kiến thức ấy?". Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều lý do để biện minh cho lý lẽ đó, nhưng các vị phụ huynh cần phải hiểu một điều rằng trẻ ở tuổi đến trường, không lo học thì biết làm gì? Học ở đây không chỉ là những kiến thức trong sách vở mà còn rất nhiều kỹ năng sống cần phải được trau dồi.
Tri thức, sự hiểu biết sẽ mang lại cho trẻ sự tự tin khi chúng trưởng thành. Hãy quan sát những đứa trẻ học tốt và chưa tốt, chúng ta sẽ thấy ngay sự khác biệt rõ ràng. Khi học tốt, các con sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân và tự tin hơn, con có thể được tuyển chọn tham gia những cuộc thi lớn, để từ đó mở rộng tầm mắt. Nói chung, mỗi đứa trẻ đều giỏi ở khía cạnh nào đó, nên việc của cha mẹ là cùng con tìm ra những điểm mạnh đó và phát huy hết khả năng của con, chứ không phải bằng lòng với việc con học kém bằng những lý lẽ như "không muốn con áp lực".
Tất nhiên, để làm được việc này không hề dễ và đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức. Trong cuộc chiến trường kỳ này, cha mẹ phải không ngừng động viên con và thậm chí là gây áp lực nhất định cho con nếu cần thiết. Tôi đã nhìn ra được khả năng của con mình và cũng đã có những bước đầu tiên giúp con phát triển khả năng đó. Tôi hiểu chặng đường phía trước còn rất dài và hy vọng những bậc cha mẹ khác cũng sẽ luôn tỉnh táo để đồng hành cùng con trên con đường phát triển đúng đắn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.