Nuôi một đứa trẻ bây giờ khó hơn nhiều ngày xưa, nhất là ở thành phố. Đất chật, người đông, công nghệ phát triển đi kèm với nhiều loại bệnh tật, cả về tâm lý lẫn sinh lý. Nhiều người thuộc thế hệ trước, từng chăm con cái, nhưng đến đoạn chăm cháu lại cảm thấy khó và nhiều lúc căng thẳng.
Ở tuổi 33, một người chị tôi quen mới có đứa con đầu lòng. Thời trước, tuổi 20 mà chưa thành gia lập thất sẽ bị cho là quá lứa lỡ thì. Nhưng ở thời hiện tại, 30 mới là độ tuổi lý tưởng để có gia đình vì ổn định cả về vật chất lẫn tinh thần, nên trường hợp của chị không phải là hiếm. Thấy các bậc anh chị con cái đề huề, chị cũng ham, nhưng biết điều kiện gia đình không cho phép nên định bụng chỉ sinh hai đứa rồi triệt sản luôn.
Ấy thế mà thật bất ngờ, cả mẹ ruột lẫn mẹ chồng đều khuyên chị chỉ sinh một con là đủ. Mỗi bà đưa ra những lý do khác nhau, nhưng đều rất thuyết phục. Mẹ ruột chị thấy con gái tuổi đã ngấp nghé trung niên, sức khỏe giảm sút. Hơn nữa, nuôi một đứa con bây giờ cũng phải mất chừng 5 năm mới ổn định lại để tận hưởng cuộc sống.
Chị cố vớt vát hy vọng bằng luận điểm "đẻ thêm để có anh có em, sau này con cháu đông đủ mình cũng được hưởng phước". Thế nhưng mẹ chị phản biện rằng: "Nếu bản thân có phước thì sinh ít hay nhiều không quan trọng. Đầy người sinh cả gần chục đứa mà đến khi về già chẳng cậy được đứa nào. Chúng nó hết đòi phân chia tài sản, lại còn đẩy mẹ già ra đường ở đó thôi". Chị đuối lý.
Mẹ chồng chị lại không tính chuyện phần phước sau này. Bà chỉ quan tâm đến hiện tại. Sau dịch, chồng chị thất nghiệp, lương chị cũng bị giảm. Bà sợ kinh tế không ổn định sẽ không thể nuôi tốt hai đứa trẻ cùng lúc. Khác với nhiều người lớn tuổi, hay so sánh rằng "ngày xưa tao đẻ mười đứa vẫn nuôi được hết, có sao đâu", mẹ chồng chị nhận thấy ngày nay khác với xưa nhiều. "Ngày đó ai cũng nghèo khổ, cũng đông con nên ít phân bì. Ngày nay giàu nghèo rõ rệt rồi, đẻ đứa con ra mà không lo tới nơi tới chốn, thấy nó không bằng người ta thì mình đau lòng lắm", bà phân trần.
>> Tôi vui vẻ với cuộc sống không con cái
Vợ chồng chị sống trong khu chung cư tầm trung ở thành phố với diện tích eo hẹp. Ở chung cư, những buổi sáng sớm hoặc chiều mát, rất nhiều phụ nữ trung niên dẫn theo các bé nhỏ xuống sân chơi. Trông thì có vẻ gia đình ấm cùng, nhưng khi hỏi kỹ, chỉ khoảng 30% trong số đó là bà nội hoặc bà ngoại, còn lại là vú nuôi. Và khi mẹ con chị nhập hội với họ, càng phát hiện thêm một sự thật bất ngờ rằng tất cả trong số 30% đó đều chỉ có một đứa con.
Ở đó, có một người phụ nữ lớn tuổi cùng chồng bán hẳn căn nhà ở Nam Định, lên thành phố với vợ chồng con trai. Ban ngày bà trông cháu, chiều tối bà nhận làm lao công cho chung cư để kiếm thêm tiền bỉm sữa. Mặc dù bận rộn nhưng bà thấy rất thảnh thơi và nhẹ nhàng: "May là chỉ có một đứa nên mình dồn hết tâm sức vào nó. Chứ nhiều đứa mà trông con cho đứa này, không trông cho đứa khác thì chúng nó giận nhau. Mà không trông đứa nào hết thì mình lại không yên tâm".
Cùng nhóm với bà, có một người phụ nữ khác không cần phải bán nhà, vì quê ở sát thành phố. Mỗi chiều chủ nhật, bà khăn gói từ Tiền Giang lên chung cư để chăm cháu ngoại cho vợ chồng con gái yên tâm làm ăn và tiết kiệm được khoản thuê vú. "Bây giờ mà thuê một bà vú hết hơn 7 triệu đồng chứ ít gì, mà không biết người ta có chăm cháu mình cẩn thận hay không? Tui nói tụi nó đẻ một đứa thôi tôi còn có sức chăm, đẻ nhiều đứa là tôi thua. Còn nếu tụi nó ham con nít thì đợi con lớn, chúng đẻ cháu cho rồi chăm, như tôi này", bà nói. Nghe vậy cả nhóm cười xòa.
Năm ngoái, có tin đồn nhà nước thưởng 9 triệu đồng cho những ai sinh con thứ hai trở đi. Lúc đầu, chị bạn tôi cũng háo hức lắm, nhưng khi có con đầu rồi, chị mới biết tại sao chẳng mấy ai tha thiết với thông tin này, bởi số tiền đó có khi chỉ bằng tiền học mẫu giáo một tháng của con chị. Dù trăn trở rất nhiều nhưng chị vẫn không nguôi ý định sinh thêm con. Có thể chị phải đợi nhiều năm nữa để kinh tế đủ đầy. Thêm một em bé như thêm luồng sinh khí cho gia đình và chị mong gia đình luôn rộn ràng tiếng cười trẻ thơ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.