Tôi luôn cổ vũ chuyện thay đổi tư duy để có những cánh đồng mẫu lớn. Tôi hay ra ngồi quán nước của một đôi vợ chồng gần nhà bởi vì anh chị là người thoải mái, một phần khác là anh chủ quán hay nói câu: Cứ bán nước thế này thì bao nhiêu chén nước mới mua được cái nhà mấy tỷ?
Để thay đổi được thói quen đã ăn vào tiềm thức thì rất khó. Vì thói quen nên dù cấy hơn hai sào ruộng Bắc Bộ (tầm khoảng 1000 m2), một vụ cũng chẳng được bao thậm chí lỗ vốn nếu trừ tiền công, tiền phân bón, tiền thuốc trừ sâu... nhưng nhà anh ấy vẫn bám víu vào những mảnh ruộng nhỏ xíu như vậy.
"Vụ này nhà tôi mới không cấy nữa", anh ấy nói. Gian nan như vậy nhưng vẫn cần phải thay đổi tư duy để có những cánh đồng mẫu lớn.
Quê tôi có một trang trại trồng tới hàng trăm gốc bưởi. Do bưởi rẻ quá nên nhà chủ ngại không vặt mà vẫn để chín rụng. Bởi vì nếu vật đem bán thì công thu hoạch đôi khi còn đắt hơn là tiền bưởi bán ra.
Sở dĩ bưởi ngon mà lại rẻ như vậy chính nhờ những trang trại bưởi này. Trước kia có thời điểm tới trăm nghìn một quả nhưng giờ đây giá rẻ hơn rất nhiều. Chỉ từ 3.000 nghìn đồng là có thể mua được một quả bưởi ngon, nếu ai ăn giỏi phải ăn được mấy quả liền một lúc.
Nhận thức được bưởi là loại quà rất tốt cho sức khỏe, không bị ngấm thuốc trừ sâu, hóa chất, bưởi chứa rất nhiều vitamin C, chống lão hóa, chống ung thư....; quả bưởi có thể để được lâu nên hôm trước tôi mua liền gần 100 quả với giá chỉ gần chục nghìn đồng một quả. Nhìn những trang trại bưởi này tôi lại liên tưởng đến những cánh đồng mẫu lớn.
Trong bài viết Những người nông dân nghỉ Chủ nhật tôi đã đề cập vấn đề này. Cách đây mấy năm, khi vào Nam có chút việc thì điều gây ấn tượng nhất đối với tôi là khi được quan sát những ruộng lúa tưởng như không có bờ ngăn ở Đồng Tháp, những cánh rừng cao su mênh mông ở Đồng Nai, những ruộng khoai mì (sắn) rộng lớn ở Tây Ninh, hay những vạt chè, cà phê ngút ngàn ở Lâm Đồng...
Những hình ảnh này là những hình ảnh đối lập khi liên tưởng đến những thửa ruộng vài thước (mấy chục mét vuông) hay vài sào Bắc bộ (vài trăm mét vuông) ở miền Bắc.
Với một tư duy nhỏ, hoạt động sản xuất trên những thửa ruộng nhỏ vài chục mét vuông, nhiều là một, hai mẫu (khi đã dồn điền đổi thửa như hiện nay) thì làm sao người nông dân có thể giàu có, phát triển được đây?
Có một giai thoại về một vĩ nhân của thế kỷ 20 thế này: Một lần ông đến nhà một người bạn chơi. Bạn bảo người nhà đi mua thịt phải ngon, rẻ. Từ đó ông không bao giờ chơi với người đó nữa.
Ông nói: Bạn của tôi phải nghĩ về thế giới, nghĩ lớn lao kia. Cần phải thay đổi tư duy. Với nông nghiệp thì người nông dân sẽ góp vốn hoặc nhượng lại ruộng đất của mình - giống như đóng cổ phần cho những chủ có đủ vốn và tiềm lực, sau đó nông dân sẽ làm với tư cách vừa là người làm chủ vừa là người làm thuê cho những ông chủ chính thức; phần còn lại sẽ chuyển sang làm công nghiệp hoặc dịch vụ.
Hơn nữa một đất nước dân số đông như nước ta thì cần phải có nền công nghiệp mạnh để tạo việc làm cho người lao động, tạo ra nhiều của cải làm cho đất nước cường thịnh. Với tư duy này thì về lâu dài chúng ta có thể tạo ra những siêu trung tâm, siêu thành phố công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Dương...
Ở những thành phố công nghiệp này sẽ tập trung rất nhiều nhà máy, xí nghiệp đồng thời tập trung rất nhiều cư dân từ mọi miền Tổ quốc. Thậm chí có thể di dân từ những vùng khó khăn, nhiều thiên tai đến những thành phố công nghiệp này. Những vùng đất nhiều thiên tai, điều kiện phát triển khó khăn có thể dành để trồng rừng chẳng hạn.
Thực tế tại rất nhiều khu công nghiệp ở Bình Dương, Bắc Ninh... đã có rất nhiều công nhân từ nhũng vùng khó khăn chọn đến để sinh sống và làm việc.
Khi có sự thay đổi lớn ở nông thôn thì sẽ kéo theo có sự thay đổi lớn của toàn xã hội vì nông dân ở nước ta chiếm khoảng 70%. Canh tác trên những thửa ruộng nhỏ thì ngoài chuyện khó có thể giàu có thì điều nguy hại hơn là tư duy khó có thể khoáng đạt, hào sảng được.
Nếu không thay đổi tư duy, vẫn canh tác trên những thửa ruộng nhỏ thể hiện của tư duy tiểu nông, tủn mủn thì 5 năm, 10 năm hay bao nhiêu năm đi chăng nữa thì năng suất lao động của Việt Nam vẫn chỉ bằng khoảng 1/30 của Singapore.
Tư duy tủn mủn cần được thay bằng những tư duy khoáng đạt, hào sảng. Canh tác trên những cánh đồng mẫu lớn thay vì canh tác trên những thửa ruộng nhỏ, lẻ manh mún là cách thức rất quan trọng và rất thiết thực để thay đổi tư duy. Ở quê tôi không còn chuyện nhà chăn nuôi vài ba con trâu, con bò, vài ba con lợn, con gà, trổng vài ba cây bưởi, cây xoài.... Ra đường làng không còn thấy ngập phân trâu, phân bò bẩn thỉu nữa.
Sở dĩ như vậy vì một phần người dân thấy rằng khi nuôi trồng nhỏ lẻ, nếu có lợi nhuận thì cũng chẳng được bao nhiêu. Hơn nữa ở quê tôi có nhiều khu công nghiệp nên công việc rất nhiều, nếu làm công nhân thì tháng cũng được vài triệu thậm chí chục triệu. Số tiền này bằng việc cấy hàng mẫu ruộng, nuôi hàng trăm con gia cầm.
Có người nói rất hay: "Bắt đầu từ suy nghĩ, suy nghĩ rồi đến hành động, hành động dẫn đến số phận". Vợ chồng anh chủ quán nước đó vẫn bán nước hàng ngày nhưng hiện nay một con gái và một con trai của anh chị đang đi du học ở Hàn Quốc. Đó cũng chính là một sự thay đổi tư duy tích cực.
Anh Phạm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.