Chia sẻ về câu chuyện "Nông dân không cần bảo tàng nông nghiệp 400 tỷ đồng", độc giả Lâm bày tỏ quan điểm:
Bảo tàng không phải là nơi để tôn vinh cái gì. Công trình văn hóa này chỉ có một mục đích duy nhất là lưu giữ quá khứ, bảo tồn lịch sử. Muốn xây dựng bảo tàng phải có hiện vật và tư liệu. Hiện vật và tư liệu ấy phải xuyên suốt từ thời điểm nào đến thời điểm nào, không được để xảy ra đứt đoạn, ngắt quãng thời gian. Hiện vật là để trưng bày cho khách tham quan có cái nhìn trực quan. Nó có thể là đồ cổ, có thể là vật mô phỏng đồ cổ (vì người ta không sưu tầm được loại đồ cổ ấy). Giải thích ý nghĩa của hiện vật là tư liệu (ở dạng tóm tắt).
Vé vào cửa tham quan hiện vật không phải là thu nhập chính của bảo tàng. Thu nhập chính của bảo tàng là cho ai đó thuê tư liệu để nghiên cứu gì đó. Tư liệu lịch sử kỵ nhất là mang tư tưởng thời nay áp đặt vào thời xưa tạo ra sự thiếu khách quan, duy ý chí. Loại thu nhập thứ hai của bảo tàng là cho thuê hiện vật (đương nhiên hiện vật ấy phải là đồ cổ thật) để người thuê đem trưng bày theo một chủ đề nào đó nhằm thu hút những học giả có trình độ tương đương đến để tranh luận, tham khảo ý kiến nhiều chiều nhiều góc độ. Có hiện vật làm bằng chứng lịch sử sẽ rút ngắn được thời gian tranh luận vô bổ vì thiếu bằng chứng.
Bảo tàng là biểu tượng cho một nền khoa học xã hội phát triển với rất nhiều ngành khoa học xã hội liên quan (khảo cổ, lịch sử, văn hóa, pháp luật, chính trị, triết học...). Khoa học xã hội của chúng ta (trong đó có nghiên cứu lịch sử) còn chưa đâu vào đâu, nếu không muốn nói là khá lạc hậu. Nếu không có kiến thức về bảo tàng thì đừng xây dựng nữa vì chắc chắn nó chỉ có tính hình thức không có giá trị khoa học hay văn hóa, càng không thể tự chủ về tài chính.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.