Đầu năm nay tôi có dịp vào mấy tỉnh phía Nam. Ở trong này một thời gian để ý quan sát tôi thấy một số điều hay, văn minh, hiện đại muốn được chia sẻ với mọi người.
Điều ấn tượng đầu tiên đối với tôi là thái độ, tác phong làm việc khá khoa học của người dân ở đây. Họ làm hết mình mà chơi cũng hết mình luôn.
Trong tuần họ làm việc hết mình. Chủ nhật, đa số người lao động, ngay cả những người nông dân - những người trồng lúa hoặc cây công nghiệp như chè, cà phê, cao su... vẫn nghỉ ngơi. Rất nhiều người nông dân vẫn không có gì là khắc khổ. Đôi khi trông họ rất phong lưu, hào sảng, như hình ảnh người Nam bộ trong từng trang sách của nhà văn Sơn Nam.
Những ruộng lúa tưởng như không có bờ ngăn ở Đồng Tháp, những cánh rừng cao su mênh mông ở Đồng Nai, những ruộng khoai mì (sắn) rộng lớn ở Tây Ninh, hay những vạt chè, cà phê ngút ngàn ở Lâm Đồng... Vì diện tích canh tác lớn nên suy nghĩ của người dân nơi đây cũng khoáng đạt, hào sảng.
Trong khi đó, tôi nhận thấy, ở miền Bắc thường là những cánh đồng diện tích nhỏ, thuộc các hộ gia đình đan xen nhau. Các thừa ruộng chỉ vài mẫu nên việc phát triển, làm lớn sẽ khó khăn.
>> Làm nông 'có đầu óc', mua được nhà cho sáu con
Tôi cho rằng, để phát triển nông nghiệp thì cần có những chủ nông lớn. Họ có vốn, có tiềm lực, sẽ thuê đất của nông dân thành những diện tích canh tác lớn. Sau đó, họ thuê tiếp nông dân để làm. Như vậy, nông dân sẽ vừa là chủ, vừa là người làm thuê.
Không thấy nước nào phần lớn người dân đều làm nông nghiệp mà giàu có cả. Ngoài nông dân, số lượng còn lại sẽ đi làm công nhân. Một nền công nghiệp mạnh để tạo việc làm cho người lao động, tạo ra nhiều của cải làm cho đất nước cường thịnh.
Với tư duy này thì về lâu dài chúng ta có thể tạo ra những siêu trung tâm, siêu thành phố công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Dương... Ở những thành phố công nghiệp này sẽ tập trung rất nhiều nhà máy, xí nghiệp đồng thời tập trung rất nhiều cư dân từ mọi miền Tổ quốc.
Thậm chí có thể di dân từ những vùng khó khăn, nhiều thiên tai đến những thành phố công nghiệp này. Những vùng đất nhiều thiên tai, điều kiện phát triển khó khăn có thể dành để trồng rừng chẳng hạn. Thực tế tại rất nhiều khu công nghiệp ở Bình Dương, Bắc Ninh... đã có rất nhiều công nhân từ những vùng khó khăn như Hà Giang, Nghệ An... Nhiều người công nhân này đã chọn những vùng đất mới này để sinh sống và làm việc.
Khi có sự thay đổi lớn ở nông thôn thì sẽ kéo theo có sự thay đổi lớn của toàn xã hội vì nông dân ở nước ta chiếm khoảng 70%. Nước Mỹ chỉ có 2% dân số làm nông nghiệp nhưng vẫn đủ nuôi cả nước và còn xuất khẩu. Đó là một hình ảnh thành công về tư duy lớn.
Việc sản xuất trên những cành đồng mẫu lớn cũng giống như việc cấm xe máy ở đô thị vậy: những điều này giúp thay đổi tư duy. Tư duy nhỏ lẻ, tủn mủn... cần được thay bằng những tư duy khoáng đạt, hào sảng.
>> Thu bạc cắc khi bỏ 800 triệu về quê làm nông
Thay đổi tác phong làm việc, thay đổi tư duy làm việc cũng chính là cách thức "làm việc thông minh hơn chứ không chỉ chăm chỉ hơn". Do chúng ta còn nghèo, đất nước còn nghèo nên mỗi người chúng ta phải làm việc chăm chỉ, chịu khó như những người dân Nhật Bản, Hàn Quốc mấy chục năm trước. Nhưng chúng ta đang sống ở thời đại 4.0 này thì cần phải "làm việc thông minh hơn".
Không phải cứ làm suốt ngày đêm là tốt, cần phải làm việc khoa học để tăng hiệu quả công việc và có thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động và tận hưởng cuộc sống. Khi nói về vấn đề này tôi xin kể thêm một câu chuyện về Bàng Thống - kỳ tài trong thiên hạ thời Tam Quốc. Ông được phong chức là một chức quan và được phân về một vùng hẻo lánh, xa xôi. Bất mãn với điều này nên đến nhậm chức mà ông chẳng làm gì cả suốt 3 tháng đầu. Tin này quan trên nghe thấy, quan trên cử người về kiểm tra. Nhận được tin này cấp dưới của ông Bàng Thống rất lo lắng cho chủ của mình, ngược lại thì ông Bàng Thống vẫn tỏ ra bình tĩnh.
Ông yêu cầu cấp dưới mang hồ sơ, công việc trong 3 tháng vừa qua đến, ông ngồi xem xét và giải quyết một loáng là xong luôn. Khi quan trên đến kiểm tra thì thấy mọi việc đều ngon lành, thấy vậy mọi người đều kinh ngạc trước tài năng của Bàng Thống.
Với đa số chúng ta đều không giỏi đến mức kỳ tài như Bàng Thống nhưng câu chuyện này nhắc nhở mỗi người chúng ta trong công việc của mình nếu chịu khó suy nghĩ thì chúng ta hoàn toàn có thể sắp xếp hợp lý để tăng hiệu qủa, giúp sớm hoàn thành tốt công việc để dành thời gian cho nghỉ ngơi, giải trí.
Với các công ty, xí nghiệp thì cần áp dụng khoa học vào sản xuất, quản trị... để nâng cao hiệu quả. Nhà nước cần áp dụng và triển khai mạnh mẽ những cách thức quản trị thông minh như chính quyền điện tử giúp tăng hiệu suất công việc, góp phần giảm biên chế, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
>> Hết tiền vì về quê mở trại nuôi heo, bò, gà
Mới đây nữ Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, 34 tuổi, đề xuất cả đất nước Phần Lan sẽ tuân theo luật mới một tuần làm việc chỉ 4 ngày và mỗi ngày 6 tiếng. "Tôi tin rằng mọi người xứng đáng có được nhiều thời gian hơn dành cho gia đình, người thân, sở thích của bản thân và các khía cạnh khác của cuộc sống".
Cần canh tác trên những cánh đồng mẫu lớn thay vì canh tác trên những thửa ruộng nhỏ, lẻ manh mún là cách thức rất quan trọng và rất thiết thực để thay đổi tư duy. "Hãy làm việc thông minh hơn chứ không chỉ làm việc chăm chỉ hơn", "think diffferent - nghĩ khác" để cho cuộc sống trở nên giàu có, văn minh và cùng tận hưởng để cuộc sống của chúng ta thực sự có ý nghĩa.
Anh Phạm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.