Đề án xây dựng Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt ngày 14/5. Bảo tàng được xây dựng với kinh phí 400 tỷ đồng trên diện tích hơn 11 ha tại huyện Vũng Liêm, nhằm tôn vinh sự cần cù, sáng tạo, vai trò to lớn của nông dân. Thông tin này đang gây tranh cãi trái chiều trên VnExpress.
Nhiều ý kiến kịch liệt phản đối việc xây bảo tàng thời điểm này khi cho rằng nó gây lãng phí và thiếu thiết thực khi người nông dân miền tây đang phải gồng mình chống hạn mặn:
Trong khi cả ồng bằng sông Cửu Long đang gồng mình chống hạn mặn thì bỏ 400 tỷ đồng ra xây bảo tàng lúc này có phải quá lãng phí tiền vào những công trình chưa thật sự cần thiết không? Nông dân chúng tôi cần là có nguồn nước ngọt để sản xuất nông nghiệp, đầu ra cho nông sản ổn định hơn...
Người dân không cần xây những bảo tàng quá tốn kém như thế này. Người dân chỉ mong nông sản làm ra có nơi tiêu thụ ổn định, các viện nguyên cứu nông nghiệp giúp người nông dân có được nguồn giống cây trồng, vật nuôi chất lượng tốt để sản phẩm làm ra không bị lép vế bởi nông sản của Thái Lan.
Theo tôi, chúng ta nên bỏ tư duy bảo tàng hay tượng một ai đó, vì đất nước đã có quá nhiều rồi. Tốn kém và lãng phi khi mà chúng ta đang còn nhiều việc phải làm. Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khô kiệt, người dân còn nghèo. 400 tỷ đồng hãy làm điều có ích hơn, thiết thực hơn cho người dân.
Nông dân chúng tôi không cần những bảo tàng hàng trăm tỷ mà cần những chính sách hỗ trợ phát triển, cải tạo tự nhiên, thay đổi khắc phục khó khăn như hạn mặn để giúp cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Sao lại có ý tưởng xây Bảo tàng nông nghiệp - đã là bảo tàng là chỉ nhìn ngắm. Tôi thấy Việt Nam hãy tham khảo mô hình kinh doanh tiêu thụ sản phẩm hoa ở Hà Lan giúp người nông dân sống mạnh. Họ có sàn giao dịch được ví như sàn giao dịch cổ phiếu dành cho hoa. Nhờ đó người tiêu dùng được dùng những sản phẩm an toàn chất lượng nhất. Hãy làm những điều thiết thực có lợi cho nhân dân. Thực tế, xây bảo tàng tốn bao nhiêu chi phí duy trì nó cuối cùng lại là nhân dân phải gánh chịu.
Cái miền Tây cần bây giờ là chống hạn. Làm việc gì có lợi cho dân thì nhân dân luôn ủng hộ, hồ trữ nước ngọt, kênh mương, đê đập,cầu đường... Nói thế không phải bảo tàng không cần thiết nhưng chỉ khi cuộc sống bớt khó khăn thì nhân dân mới đến với bảo tàng.
>> Tích trữ nước ngọt để giải hạn đồng bằng sông Cửu Long
Trong khi đó, số khác lại ủng hộ chủ trương xây dựng bảo tàng để thu hút đầu tư và du lịch cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long:
Việc nào ra việc đó. Việc chống hạn mặn không phải nói thích là làm được ngay, nó không giống như cái ao, cái sông, thích là ngăn, là chia được. Đôi khi còn phải nghiên cứu để sản xuất thích nghi được với cả hạn mặn nữa vì vấn đề xâm nhập mặn sẽ còn kéo dài và càng ngày càng phức tạp hơn. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất cây trái trù phú, lập cái bảo tàng này lên sẽ làm nổi bật thêm thành tựu của vùng, thu hút đầu tư, du lịch.
Nếu bạn có cơ hội đi du lịch nhiều thì sẽ thấy bảo tàng luôn là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách. Xây bảo tàng không sai, cái cần làm tốt là xây thế nào và vận hành ra sao cho có hiệu quả?
Tôi ủng hộ chủ trương này vì nguồn vốn chủ yếu là xã hội hóa. Khi thành lập sẽ là điểm nhấn không thể bỏ qua cho khách du lịch trong và ngoài nước khi đến tham quan Đồng bằng sông Cửu Long. Bảo tàng có thể bán vé tham quan nên sẽ không tốn ngân sách để duy tu, bảo dưỡng.
Bảo tàng cũng tốt, nhưng kiến trúc phải thật đẹp vận hành phải cực tốt. Chứ đừng làm dở dở ương ương như mấy cái bảo tàng ở Sài Gòn... Nên học bảo tàng cafe ở Buôn Mê Thuột, khách có thể đến tham quan, không tham quan thì chụp hình sống ảo...
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.