Tiếp tục đề tài nông nghiệp, với một khía cạnh khác – diện tích đất nông nghiệp. Chúng ta có thiếu đất nông nghiệp không? Xin thưa là không thiếu. Phần lớn đất nông nghiệp của chúng ta là được tổ tiên khai phá dựa vào gần nguồn nước (gần sông suối ao hồ).
Đất nông nghiệp không phải tự nhiên mà có. Nó vốn là đất hoang, không trồng được bất kỳ loại cây có ích nào. Người đi khai hoang sau khi "làm sạch" những cái cây dại ấy thì họ sẽ trồng những loại cây làm gia tăng sự màu mỡ của đất kết hợp với đào kênh dẫn nước vào ruộng.
Ở vùng cao người ta còn làm ruộng bậc thang được thì nói chi vùng thấp. Khi độ màu mỡ đạt đến mức độ nhất định, chúng sẽ biến thành đất nông nghiệp. Chúng ta ăn vào vốn của tổ tiên, những người đi khai hoang trước đây, rồi chúng ta tự than thở với nhau là sao tôi chỉ có vài sào đất chả biết làm ăn thế nào.
Người đẻ ra chứ đất đâu có đẻ ra, hoặc, đất đẻ ra là do người ta đi khai hoang mới có. Việt Nam có nhiều đất hoang không? Đi dọc đất nước mà xem, đất hoang bạt ngàn. Sẽ có người bảo, để biến đất hoang thành đất nông nghiệp, phải bỏ ra nhiều công sức, tiền bạc, thời gian. Vâng, nếu không bỏ ra thì làm sao có?
Nhìn Israel mà xem, đất nông nghiệp của họ vốn là hoang mạc. Để biến hoang mạc thành đất nông nghiệp họ phải đầu tư gấp trăm gấp nghìn lần. Chúng ta vốn được thiên nhiên ưu đãi. Chúng ta sống trên núi vàng mà cứ than mình nghèo là sao?
Không có thì người ta cố nghĩ cố làm sao cho có. Còn Việt Nam mình, không có thì chỉ...than thở với nhau. Có người nói một gia đình nông dân Tây sở hữu bao nhiêu đất so với một gia đình nông dân Việt?
Xin thưa, đất của gia đình ấy là do nhiều đời của họ khai hoang ra chứ không phải tự nhiên mà có đâu ạ. Lúc đầu họ được nhà nước cấp cho một mảnh đất bé tí gần nguồn nước. Sau đó, họ tự khai hoang phát triển ra những nơi xa nguồn nước và tìm cách dẫn nước đến những nơi xa ấy.
Còn ta, chỉ cố sức bám trụ tại nơi mà ta được hưởng quyền thừa kế. Từ đó dẫn đến, người đẻ ra chứ đất không đẻ ra. Chúng ta "sốt" đất lên "sốt" đất xuống cũng chỉ loanh quanh tại những nơi đã được khai phá từ lâu.
Rồi, buôn qua bán lại với nhau kiếm lời quen, chúng ta sẽ chỉ còn quan tâm đến cái nền đất mà chả bao giờ quan tâm sẽ làm cái gì trên cái nền đất ấy. Nhìn các quốc gia Trung Đông xem. Họ giàu nhờ dầu mỏ. Vâng, nhưng dầu mỏ chỉ mang lại cho họ tiền bạc. Bạn có cả núi tiền trong ngân hàng mà vẫn ở nhà cấp bốn, đi xe đạp thì núi tiền ấy có ý nghĩa gì?
Họ phải bỏ tiền ra biến sa mạc nơi họ sống thành thành phố, thành đất nông nghiệp, thậm chí thành nơi du lịch.
Chúng ta có cần phải bỏ cả núi tiền ra để làm điều đó? Không cần. Chúng ta chỉ cần bỏ chất xám ra quy hoạch và bỏ một số tiền nhỏ nhoi ra đầu tư. Số tiền ấy sẽ được lấy lại rất nhanh – không quá một thế hệ. Chúng ta không làm gì cả, chúng ta dùng tiền để ...mua bán lòng vòng những thứ đã có sẵn rồi chúng ta than chúng ta nghèo.
Vì sao kinh tế Việt Nam khá lên? Vì nhờ nước ngoài bỏ vốn ra đầu tư biến những vùng đất hoang hóa thành nơi có giá trị thương mại. Vì sao chúng ta không tự đầu tư được như thế?
Tiền nói cho cùng là biểu trưng cho giá trị của sức lao động. Không dựa trên cơ sở này, tiền chả khác gì giấy vụn.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Giao thông Việt không có làn đường xe máy tiêu chuẩn
>> 'Không đoạt cup, Hoàng Anh Gia Lai không phải là đội bóng đẹp'
>> Nông dân phương Tây giàu vì biết hợp tác, nông dân Việt nghèo vì mạnh ai nấy lo
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.