Cuối những năm 90 đầu những năm 2000 đặc biệt là năm 2002 sau khi Đài Loan gia nhập WTO, kinh tế Đài Loan có sự phát triển vượt bậc, công nghiệp phát triển mạnh bỏ lại phía sau nền kinh tế nông nghiệp giàu truyền thống nhưng lạc hậu, kém phát triển. Nông nghiệp ngày càng ít được xã hội quan tâm.
Người Đài nhận ra, không sớm thì muộn, nền kinh tế nông nghiệp truyền thống hàng trăm năm sẽ bị biến mất nếu họ không sớm hành động. Chính phủ Đài Loan quyết định quy hoạch hơn 30 khu vực trên khắp cả vùng để phát triển du lịch nông nghiệp, một ngành kinh tế mới có thể tạo ra thu nhập tốt cho người nông dân, bảo vệ tính đa dạng của nền kinh tế và lý do quan trọng nhất là bảo vệ nền nông nghiệp có lịch sử hàng trăm năm của Đài Loan.
Các chuyên gia du lịch, nông nghiệp được đưa đến hỗ trợ các nhà nông tạo ra sản phẩm dịch vụ cầu thị, đáp ứng nhu cầu của người thành thị muốn tận hưởng, khám phá phong cách sống miệt vườn. Các công ty du lịch được khuyến khích mở các tour tuyến du lịch đến các nông trại nghỉ dưỡng (leisure farm).
Hiện nay, Đài Loan có hơn 300 trang trại nghỉ dưỡng trên khắp cả vùng, những chuỗi khách sạn nghỉ dưỡng lớn trên thế giới như Shangrila cũng tham gia vào sân chơi trang trại nghỉ dưỡng này.
Du lịch nông nghiệp Đài Loan đã thành công ngoài mong đợi của những người kiến tạo ra nó. Đài Loan không chỉ bảo tồn được ngành nông nghiệp của họ mà còn chặn đứng được sự đô thị hóa do quá trình công nghiệp hóa xâm lấn xuống các vùng nông thôn, các cảnh đẹp thiên nhiên được bảo tồn, sự đa dạng sinh học không bị phá hủy. Sản phẩm nông nghiệp du lịch của họ theo chân du khách đi khắp thế giới, tạo ra thu nhập không nhỏ cho cộng đồng cư dân địa phương.
Tại Việt Nam, một xã giáp ranh TP HCM, thuộc huyện Cần Đước (Long An) những cánh đồng lúa xanh bát ngát vẫn nấp mình phía sau những rặng tre, bụi chuối, một cảnh thanh bình hiếm có khi bạn mất chỉ 30 phút chạy xe máy từ TP HCM là đến.
Đó là xã Mỹ Lệ, đây là quê hương của loại gạo đặc sản nàng Thơm Chợ Đào, loại gạo đặc sản được tương truyền là đặc biệt thơm ngon nhờ phù sa và nguồn nước sông Vàm Cỏ.
Người dân vẫn hiền hòa canh tác trên những mảnh ruộng ông cha bao đời để lại để bảo tồn hạt ngọc quý của đất trời phương Nam. Mỹ Lệ có những con mương rãnh nước trong vắt, cá từng đàn từng đàn tung tăng đua lội. Ô nhiễm ny-lon và plastic không thấy có mặt tại đây. Ý thức của người dân nơi đây có thể là bài học đáng để cả nước Việt Nam học hỏi.
Mỹ Lệ có ngôi đình nhỏ cổ kính để bao đời, bao thế hệ cùng sinh hoạt, thế nhưng thu nhập từ ruộng đồng không thể giữ chân được những người trẻ tuổi, họ đi Sài Gòn, họ vô xí nghiệp, mở tiệm, mở cửa hàng, bỏ lại ruộng đồng cho những ông già bà cụ đã mái tóc hoa râm.
Một câu lạc bộ, đúng hơn là một nhóm bạn trẻ chung tiền về Mỹ Lệ xây dựng một cộng đồng chia sẻ, họ hỗ trợ bao tiêu nông sản sạch của người dân đồng thời giới thiệu gia đình, bạn bè xuống đây để giúp người dân có thêm thu nhập với mong muốn Việt Nam không bị mất đi một giống lúa thơm, một loại gạo ngon trứ danh và một nơi có cảnh sắc thanh bình hiếm có.
Một chiều cuối tuần được tham dự cùng họ thật vui và hạnh phúc tuy nhiên trong lòng không thể suy nghĩ tại sao chúng ta không thể phát triển du lịch nông nghiệp như Đài Loan, để không phải canh cánh trong lòng một nỗi lo cảnh sắc này sẽ biến mất trong một nay một mai.
Việt Nam không thiếu những vùng nông nghiệp đặc sản, những mùa vụ với biết bao cảm hứng làm tiền đề phát triển du lịch nông nghiệp và đặc biệt là nỗi lo không ngừng về đô thị xâm lấn đất nông nghiệp.
Thái Lan rất nhanh nhạy trong việc học theo và phát triển các loại hình du lịch này. Ai đã từng đi Thái Lan chắc đã từng ghé qua vườn nho hoặc nông trại nuôi ong trên đất Thái, nơi mà họ biến nông nghiệp thành dịch vụ du lịch. Chiang Mai, Chiang Rai là nơi cực kỳ phổ biến với du khách quốc tế về loại hình du lịch này.
Việt Nam đang trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đời sống người dân ngày càng cải thiện. Tuy nhiên sẽ là rất đáng tiếc nếu chúng ta mất đi những đặc sản Nàng Thơm chợ Đào, Vú sữa Lò Rèn, bưởi Tân Triều, nho Ninh Thuận... như là chúng ta đã mất đi tiêu Phú Quốc, vườn trầu Hóc Môn...
Thật lòng, tôi mong muốn có những bước đi mạnh mẽ để nền văn minh nông nghiệp hàng ngàn năm của nước ta không chìm vào dĩ vãng.
>> Bài viết cùng tác giả: Tin giả sán lợn, tả châu Phi có thể giết chết ngành chăn nuôi
Sinh viên, bạn trẻ sẽ không định hướng được tương lai nếu chạy xe ôm công nghệ
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.