Tôi quan sát thấy là người ở Sài Gòn đi mua đất, hoặc mua đất để xây nhà ở có ba nhóm :
Nhóm thứ nhất, bán được miếng bự với giá tiền tỷ và đi mua miếng rẻ hơn, xây nhà mấy lầu để ở. Đa phần nhóm này thường sẽ xây nhà vài tầng để con cái ở mấy tầng trên vì còn tiền nữa đâu mà mua nổi thêm nhà đất cho con nữa, giá thì như trên mây.
Nhóm thứ hai, người chuyên mua đất để lướt sóng trong thời gian ngắn xong rồi bán lại cho nhóm thứ nhất.
Còn nhóm ba là dân làm ăn, buôn bán, kinh doanh có tiền mua để ở, cho thuê hoặc cũng có thể để đó chờ giá đất bán cho nhóm thứ nhất.
Tựu trung lại thì có hai nhóm là mua để ở và mua để đầu cơ. Người bán được đất lấy tiền thì vui mừng lúc đó. Nhưng đến khi lo đất cát cho con cái lại "chửi um" lên rằng giá quá cao. Cứ nhìn như bản thân số đông nhiều người bây giờ thôi: lương 15 - 20 - 25 triệu thì đời nào mua được miếng đất, giờ toàn từ ba, năm tỷ đồng và tương lai còn tăng?
Khi lợi nhuận từ việc mua bán đất vượt xa mọi loại hình kinh doanh khác, vừa đơn giản, vừa an toàn. Đơn giản vì có tiền là mua được. An toàn ở chỗ tài sản nếu đóng băng vẫn ở đó, không hao hụt. Tất nhiên vẫn có trường hợp thua lỗ do dính quy hoạch hoặc đất đóng băng dài hạn, nhưng về cơ bản diện rộng thì mua đất lợi nhuận vẫn là tốt nhất và dễ làm nhất.
Có những người giàu lên nhờ kinh doanh buôn bán sản xuất nhưng khi có tiền lại đổ vào đất vì kinh doanh chưa chắc lãi bằng mua bán đất. Cũng bởi từ việc lợi nhuận cao nên rất nhiều người có tiền là mua đất, người nhiều tiền mua đất ở các vị trí đắc địa sinh lợi hoặc đầu cơ theo sóng, hoặc đơn giản ôm đất diện tích lớn các khu vực hot hoặc sắp hot.
Người ít tiền đi ra xa mua đất vùng ven, đất nông thôn. Nói chung là ai cũng gom tiền được bao nhiêu thì mua bấy nhiêu với tâm lý giữ giá trị tài sản vì đất tăng giá tốt, mà thực tế đã chứng minh là đất tăng giá liên tục trong dài hạn.
Do đó có những người làm việc ở Sài Gòn, không có nhà Sài Gòn nhưng vẫn có vài ba mảnh đất phân lô ở tỉnh là rất bình thường, những người có tiền nhiều càng ôm nhiều đất.
>> 'Nhà trọ tăng giá nếu bị đánh thuế bất động sản thứ hai'
Cũng bởi tổng quy hoạch đô thị là không có, chỉ có phát triển tự phát, ở đâu có việc làm là dân đổ về sinh sống, cố gắng kiếm mảnh đất cắm dùi, kèm thêm các yếu tố đầu cơ bên trên nên làm quỹ đất ở rất hạn chế. Trong khi người cần nhà ở thì không thể mua được, nhưng cũng là đất ở thì đất trống để cỏ mọc lại rất nhiều.
Xét lại các yếu tố ở Việt Nam ảnh hưởng đến tiêu chí mua đất như sau:
- Gần chỗ làm.
- Gần nhà cha mẹ, bà con, họ hàng.
- Gần trung tâm.
- Buôn bán kinh doanh, xây phòng trọ được.
- Xây dựng không gian gia đình, thứ người Việt rất coi trọng.
Mọi người tự liên hệ xem bản thân mình muốn có bao nhiêu tiêu chí trong này, rồi nghĩ xem nhu cầu có giảm không? Bất động sản có khả năng "sụp hầm" chỉ có thể là đất đầu tư như đất nền, nhà dự án, căn hộ trong tương lai chứ bất động sản có giá trị hiện tại như nhà hiện hữu, căn hộ đã hình thành thì không xuống, chỉ có đóng băng giao dịch kể cả giai đoạn 2008 hay 2012.
Nếu nói là thị trường hiện tại méo mó, người có nhu cầu không mua được thì phải xem là nhu cầu gì đã. Nếu là nhu cầu "ở" thì các BĐS loại này sẽ không xuống, và khi kinh tế không khỏe thì loại BĐS này càng khan do người dân sẽ không còn khả năng chi trả cho con cái ra riêng hay đổi nhà khác thì càng bám chặt vào ngôi nhà đang ở hơn.
>> Trăn trở 'nước lên thuyền lên' khi đánh thuế bất động sản
Còn đất rẻ thì ở xa trung tâm đường xá tệ hại, đường vào nội đô luôn kẹt cứng giờ cao điểm nên giá rẻ và những người có khả năng mua cũng băn khoăn để mua vì mỗi ngày họ có thể mất từ 2-4 tiếng chỉ để di chuyển đi và về, quá cực, mua nhà trung tâm thì không nổi rồi đó.
Do đó tổng kết lại là ngoài các quận nội thành của Sài Gòn, Hà Nội vẫn còn thiếu quỹ đất phát triển nhà ở, phần còn lại là do chính sách và quy hoạch dẫn đến giá đất tăng khắp nơi, khi mà cung cầu không khớp nhau, cùng một nơi sẽ vừa thiếu vừa dư.
Ken Augustus
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.