Cần phải hiểu rằng hiện nay bất động sản (BĐS) Việt Nam tăng giá là do văn hoá và tháp dân số vàng.
Bởi người Việt có tư tưởng "an cư lạc nghiệp", mà tháp dân số vàng năm xưa, đáy của nó giờ 25-35 tuổi, rơi vào khoảng 20-25% dân số. Tức là trong số 100 triệu dân sẽ có hơn 20 triệu người đến tuổi dựng vợ gả chồng, có nhu cầu an cư lạc nghiệp, tức đâu đó cần nguồn cung 10 triệu căn nhà và căn hộ với cái văn hoá an cư này.
Mà tháp "vàng" đáy to hơn nên cầu lớn hơn cung (nhà ba mẹ "tam đại đồng đường" không đủ chỗ ). Điều này tạo ra cầu lớn hơn cung thì nhà đất có giá. Trong khi đó, suy nghĩ của thế hệ GenZ (từ 96 về sau) khác hẳn thế hệ 8x, đầu 9x là đề cao "trải nghiệm" hơn là nhu cầu "sở hữu".
Nếu những người tuổi băm để dành tiền mua nhà mua xe thì các đàn em lại để dành tiền đi du lịch vòng quanh thế giới, dẫn đến khác nhau về hành vi ở chục năm tới sẽ nhìn thấy rõ.
>> 'Nhà trọ tăng giá nếu bị đánh thuế bất động sản thứ hai'
Nhiều người mong chờ thị trường bất động sản "sập" hoặc đóng băng để giảm giá nhà. Tôi nghĩ khác.
Ví dụ, công ty lúa gạo bạn cần vốn mở rộng sản xuất, có nhà xưởng xay xát lúa và quyền sử dụng đất là tài sản giá trị, thế chấp ngân hàng không được, thế là không mở rộng sản xuất được, không mở rộng thì nhân viên không được tăng lương.
Nếu lương 10 triệu nhân viên sẽ ăn được tô bún giò, tô bánh canh, còn lương không tăng thì họ sẽ nấu ăn ở nhà, bà bán bún giò thu nhập teo tóp, sẽ không còn đi làm nail, bà làm nail nghèo sẽ không còn đi chợ mua thịt, bà bán thịt nghèo thì chẳng có tiền mua xe máy... cứ như vậy nền kinh tế thụt lùi.
Và khi BĐS sập rồi thì sẽ không có giá rẻ cho các bạn mua nhé. BĐS sập thì đa số người dân khổ, kinh tế khó khăn, việc làm thiếu hụt. Ví dụ dù BĐS từ hai tỷ sập về 1,5 tỷ đồng thì các bạn đang có 500 triệu lại phải vật lộn cơm áo gạo tiền vì việc ít hẳn, liệu có còn dám xuống tiền mua đất?
>> Vay nợ mua nhà tuổi 27 vì áp lực 'an cư lạc nghiệp'
Còn nếu muốn phát triển BĐS bền vững thì phải làm cho nó tạo ra được giá trị gia tăng. Ví dụ BĐS cho thuê, nghỉ dưỡng, công nghiệp... còn như một miếng đất chỉ mua đi bán lại thì sẽ không tạo ra giá trị gì cho xã hội, việc này rất nguy hiểm.
Một miếng đất sinh ra một tấn trái cây mỗi năm, thay vì đầu tư kỹ thuật để tăng năng suất lên hai tấn một năm thì lại phân lô bán nền, chỉ sản xuất ra năm tạ một năm. Việc phân lô bán nền như đã nói không tạo ra giá trị thêm cho xã hội.
Mặt khác, người nông dân trồng trái cây đang tạo ra giá trị cho xã hội mất đi công cụ lao động lại chuyển qua làm cò đất, số lượng cò đất càng nhiều thì số người trong lực lượng lao động càng thấp, dẫn đến của cải tạo ra càng giảm.
Nhưng, nói chung tôi thấy đất trung tâm Sài Gòn - Hà Nội hay các trục trung tâm tỉnh lẻ đắt là bởi cơ hội làm ăn, kinh doanh, công việc, phục vụ tầng lớp trung lưu trở lên đem lại địa tô đáng kể.
Cái đáng phê phán nhất là vùng ven, phụ cận, thậm chí vùng quê, hạ tầng thì kém, cơ hội, lương thưởng cũng ít mà cũng bơm thổi giá, cái này mới là cái gây bất ổn xã hội.
Ken Augustus
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.