Hy vọng các bạn rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ hai câu chuyện này
1. Câu chuyện thứ nhất: Mua bất động sản bằng 70% tiền vay ngân hàng. Khi thanh toán xong 30%, tự nhiên ngân hàng không cho vay và có nguy cơ mất hai tỷ vốn ban đầu
Chị A ký hợp đồng với công ty S. Bạn nhân viên thỏa thuận miệng với chị A rằng chỉ cần có vốn 30%, sau đó sẽ có ngân hàng sẽ giải ngân tiếp cho công ty S phần còn lại.
Chị A tin vì công ty S nổi tiếng và có uy tín trên thị trường. Chị A tiến hành đặt cọc 10% và thanh toán đến 30%, sau đó mới ký hợp đồng mua bán, đồng thời cung cấp hồ sơ vay cho ngân hàng để thẩm định.
Đến hạn thanh toán tiếp theo, ngân hàng từ chối cho vay với lý do nguồn tài chính của chị A không tốt do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời ngân hàng đang siết cho vay lại.
Vì chị A chỉ chuẩn bị trước 30%, số tiền còn lại thông qua ngân hàng cho vay nhưng giờ ngân hàng không cho vay và chủ đầu tư cũng không chịu trả lại tiền. Theo hợp đồng, nếu bên A đơn phương chấm dứt thì phải bị mất toàn bộ số tiền đã thanh toán. Số tiền thanh toán 30% tương đương gần hai tỷ đồng.
>> 'Nhà trọ tăng giá nếu bị đánh thuế bất động sản thứ hai'
2. Câu chuyện thứ hai: Đặt cọc mua đất sau khi kiểm tra quy hoạch bằng mồm. Tưởng "trúng mánh" đất thuộc quy hoạch dự án thương mại của tỉnh và nguy cơ mất 2,5 tỷ tiền cọc
C được một bạn môi giới tư vấn và giới thiệu một khu đất ở tỉnh lẻ để mua. C cũng đã từng mua hai miếng đất ở tỉnh này và thấy đầu tư có lời. Khu đất này sau đó được tách thành hai thửa do L và D đứng tên.
Theo lời của bên bán và tư vấn của nhân viên sale thì khu đất trên quy hoạch đất ở hiện hữu, có thể phân lô, tách thửa, được phép chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng nhà.
Bạn nhân viên sale dẫn anh C vào cơ quan nhà nước để xin kiểm tra thông tin quy hoạch miệng là đúng. Tin lời, anh C xuống tiền cọc 500 triệu đồng (chị L nhận cọc thay cho ông D theo giấy ủy quyền viết tay, không có công chứng).
Nội dung các bên cũng thỏa thuận có thỏa thuận vấn đề trên và hẹn hai tháng sau chuyển nhượng. Sau đó vài ngày, bạn sale thông báo giá đất tăng một tỷ, hỏi có muốn bán lại không?
Vì anh N không có ý định bán cọc nên không bán. Khi thấy giá đất tăng, anh N sợ chị L và anh D hủy cọc nên đặt cọc thêm cho đủ 2 tỷ đồng. Để đảm bảo an toàn, các bên tiến hành công chứng hợp đồng đặt cọc tại văn phòng công chứng theo mẫu.
>> Bốn phút chốt cọc 10 lô đất
Vài ngày sau, khi triển khai việc phát quang cỏ ở khu đất và chuẩn bị làm hạ tầng thì anh C được địa phương thông báo đất này thuộc quy hoạch dự án thương mại của tỉnh, đã có quyết định phê duyệt từ năm 2013.
Anh C tìm đến bà L và ông D để thỏa thuận về việc trả lại tiền nhưng ông D và Bà L không đồng ý do họ cho rằng nghĩa vụ tìm hiểu thông tin quy hoạch là nghĩa vụ của anh C. Nếu đến hạn mà anh C không xuống tiếp tiền để công chứng hợp đồng thì anh C phải chịu mất cọc.
Anh C liên hệ với bạn sale để nhờ giải quyết thì điện thoại không liên hệ được, khi liên hệ được thì bạn sale bảo em đã nói với bên bán nhưng họ không đồng ý trả lại tiền vì khu đất này dù dính quy hoạch nhưng vẫn được phép chuyển nhượng bình thường.
Tôi nhận thấy trên đây là hai trường hợp thường gặp khi mua đất qua lời rao bằng miệng. Hiện nay sẽ có nhiều môi giới không nói kỹ thông tin cho khách, vô tình hoặc cố ý, dẫn đến tình trạng trên. Các bạn sẽ xử lý như thế này nếu gặp các trường hợp trên?
Lê Quốc Kiên
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.