Số người rời bỏ công việc cố định (full-time) để làm tự do (freelancer) ở nước ta ngày càng nhiều, đặc biệt là sau dịch Covid-19. Được chủ động lựa chọn việc yêu thích; thoải mái thời gian; không cần giao tiếp; tránh các mối quan hệ độc hại ở công sở; kiếm tiền không giới hạn; và được nghỉ ngơi là những lý do khiến công việc này được ưa chuộng.
Nhưng, chuyển từ háo hức sang hối hận sau khi nghỉ việc làm công ăn lương để chuyển sang freelancer, độc giả Huy Hoang chia sẻ: "Giờ tôi đang chuyển sang trạng thái hối hận rồi. Tôi nghỉ việc từ tháng 6/2021, đến giờ đã gần hai năm. Lúc đó, lương của tôi hơn 20 triệu đồng, công ty tăng lương đều mỗi năm hai lần. Nếu vẫn làm công ty cũ thì cuối năm nay, lương của tôi sẽ đạt gần 30 triệu đồng. Vậy mà vẫn quyết định nghỉ việc để làm ở nhà với mức thu nhập bấp bênh, cộng thêm tâm lý buông thả vì thích thì làm, chán lại nghỉ, thiếu tính kỷ luật.
Giờ tôi tiêu gần hết tiền tích góp trong mấy năm đi làm, trong khi kỹ năng ngày càng thui chột sau hai năm ở nhà. Bản CV của tôi cũng không còn mấy ấn tượng với nhà tuyển dụng nữa. Nay muốn đi xin việc lại, chắc tôi chỉ kiểm được công việc lương 20 triệu một tháng, chưa kể còn phải cạnh tranh với lứa trẻ".
Đồng quan điểm, bạn đọc Myxaogion kết lại: "Làm freelancer, bạn phải thỏa thuận được công việc 20 USD mỗi giờ, thậm chí hơn nữa mới gọi là có giá trị. Nhưng để được mức này, bạn phải thực sự là một chuyên gia trong lĩnh vực mà mình làm. Bởi đơn giản, khách hàng vẫn có thể tìm một đơn vị gia công thay vì tìm kiếm một freelancer. Nếu họ đã tìm đến bạn chứng tỏ bạn phải có năng lực. Nhiều bạn trẻ ở Việt Nam chưa ý thức được điều này, năng lực hạn chế nhân vẫn nhận nhiều công việc để rồi không quản lý được thời gian, cũng không như chừa cho mình một khoảng nghỉ đủ để nâng cấp bản thân.
Điều đó dẫn đến tình cảnh có bạn làm một công việc lâu năm nhưng trình độ không khá lên được, làm bất chấp giá rẻ (vì trình độ chỉ có thế).... Đó không phải là freelancer đúng nghĩa nữa. Tôi có lời khuyên thật lòng là nếu trình độ của bạn vẫn còn hạn chế thì tốt nhất là vẫn đi làm công ăn lương full-time, đừng ảo tưởng quá nhiều vào bản thân khi nhảy ra làm freelancer".
>> Bỏ việc lương 20 triệu để không lãng phí tuổi trẻ
Khảo sát đầu năm 2022 của công ty tuyển dụng Anphabe tại Việt Nam, với hơn 500.000 thành viên, cho thấy xu hướng chuyển sang làm tự do tại Việt Nam đang tăng. Theo đó, 14% nguồn nhân lực tri thức Việt Nam hiện là lao động tự do toàn thời gian, 26% làm tự do bán thời gian, 13% làm song song công việc cố định và bán thời gian.
Chia sẻ những thành công nhất định khi nghỉ việc văn phòng để làm freelancer, độc giả Socnau bình luận: "Tôi làm thiết kế freelancer từ năm 2011. Trước đó, tôi đã làm cho một công ty nước ngoài trong khoảng sáu năm. Ai nghĩ làm freelancer có nhiều thời gian là một sai lầm. Đôi khi, thời gian bạn bỏ ra để chỉnh sửa (không công) cũng mất cả vài tuần và việc ngày làm hơn tám tiếng là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn quyết tâm rèn luyện và đủ may mắn gặp khách hàng tốt, hợp đồng theo giờ thì chuyện làm 30-40 tiếng một tuần bằng nhân viên văn phòng làm cả tháng là hoàn toàn có thật.
Ngoài ra, mỗi năm bạn còn được sếp bao chi phí ăn ở, đi lại, ra nước ngoài chơi, gặp mặt các bạn trong team.. Đổi lại, bạn phải thật sự giỏi và có ý chí rèn luyện bản thân từng ngày, từng giờ theo đúng nghĩa đen, và quyết tâm chọn con đường keo kiểu chỉ có thể tiến lên phía trước, không có lựa chọn thứ hai".
Với kinh nghiệm nhiều năm làm freelancer, bạn đọc Nguyễn Sáng cho rằng: "Tôi sinh năm 1990, ra trường năm 2011, chuyên ngành đồ họa, đi làm và nhảy vài công ty trong hai năm đầu. Trong quá trình làm việc, tôi được đồng nghiệp giao các dự án làm thêm, cũng tự nhận thêm các dự án nước ngoài (freelancer) vài lần. Có những thời điểm chờ việc, tôi phải nhịn đói, nhiều tháng chạy về nhà ăn trực của bố mẹ vài hôm để chờ lương. Tới một ngày nọ, sau 5-6 năm, công việc phát triển hơn, khách khứa nhiều, có mạng lưới, một trong những đối tác, khách hàng người Nhật muốn gặp riêng. Tôi chủ động mở công ty cùng họ, tới nay đã được 5 năm, công ty 20 người, doanh thu vài trăm triệu một tháng nhưng tôi không còn hứng thú và vui vẻ.
Tôi quyết định ra ngoài và mở công ty mới tiếp tục hành trình. Nhiều ngày phải làm việc 20 tiếng, nhiều lần sốt 40 độ vẫn phải làm cho kịp tiến độ. Có thể tôi cũng nhớ những ngày đi làm công ăn lương, tối về nhà xem phim, đi chơi với bạn gái, cuối tuần đi phượt, nhưng tôi thích cuộc sống hiện tại hơn, mặc dù áp lực nhưng tự chủ mọi thứ. Hy vọng những chia sẻ của tôi giúp ích được cho các bạn đang có ý định làm freelancer".
Nhấn mạnh yếu tố cải thiện thu nhập khi chuyển ra làm freelancer, tuy nhiên độc giả Mộc Nhai Hoa không quên chỉ ra những thứ phải đánh đổi: "Tôi ra trường năm 2008, đi làm nhà nước đến năm 2019 với đồng lương khởi điểm theo hệ số là 1,3 triệu đồng một tháng. Đến năm 2010, lương của tôi tăng lên 2,5 triệu đồng. Từ đó trở đi, cứ ba năm tôi được tăng lương một lần, mỗi lần tăng được 0,33 hệ số. Đến năm 2019, lương thực nhận của tôi khoảng 5 triệu đồng một tháng. Với đồng lương eo hẹp như vậy, tôi không thể đủ nuôi gia đình nên năm 2019 tôi xin nghỉ việc, trở thành một lao động tự do.
Đến nay tôi đã có bốn năm làm freelancer. Ban đầu, hàng tháng tôi có thu nhập khoảng 10 triệu đồng, sau đó tăng dần. Đến nay, thu nhập của tôi khoảng 30-40 triệu đồng một tháng. Làm công việc tự do, tôi phải tự lo từ A đến Z, tóc bạc sớm và rất nhanh, sức khỏe giảm sút, thời gian căng thẳng, nhưng bù lại thu nhập tốt hơn. Cái gì cũng có giá của nó".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.