Lợi nhuận của doanh nghiệp là từ giá trị tăng thêm của sức lao động tới từ người công nhân, người làm ở văn phòng. Tuy nhiên nếu thu nhập của họ thấp mà lợi nhuận của doanh nghiệp cao thì có sự bất thường ở đây.
Mức lương cơ bản tức là với mức tiền đó thì đủ để người công nhân sinh sống và tiết kiệm một phần nào đó dự phòng cho tương lai (có thể là 10% thu nhập). Chúng ta không nên nói rằng họ làm tăng ca thì "lương tầm 6-7 triệu đồng, cao vậy còn đòi tăng lương". Nói như thế là không hợp tình mà cũng chẳng hợp lý.
Thu nhập từ tăng ca là phần đi làm thêm nhằm khai thác quỹ thời gian vốn dành cho nghỉ ngơi hồi phục sức lao động để tạo thêm thu nhập tích luỹ phục vụ cuộc sống. Do đó tăng ca nhiều là dấu hiệu thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống.
>> Vòng đời công nhân' trong nhà trọ 15m2
Ở khía cạnh khác, khi lương cơ bản tăng lên thì chi phí lao động của doanh nghiệp sẽ cao, địa phương đó sẽ giảm lợi thế về chi phí khi thu hút doanh nghiệp trong các ngành nghề cần sức lao động.
Vì thế, doanh nghiệp nào cũng phải dùng bộ não - sức lao động trí óc của nhóm văn phòng để gia tăng thêm giá trị cho sản phẩm, tạo sức cạnh tranh riêng từ thương hiệu. Khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp mới cao dần, thu nhập của người lao động tăng. Còn nếu cứ theo lối sản xuất cũ là tận dụng nhân công giá rẻ thì người lao động sẽ khó khăn.
Theo tôi thì ở nơi nào lương thấp, ở nơi đó có sự lười nhác trong lao động trí óc của doanh nghiệp. Tăng lương công nhân là cách để thúc đẩy những doanh nghiệp phải sáng tạo trong hoạt động, nâng cao giá trị chứ không thể tìm kiếm lợi nhuận chỉ bằng sức lực của người lao động.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.