Tôi là một chàng trai ở nông thôn lên thành phố lập nghiệp. 28 tuổi, tôi mua được bốn mẫu đất ruộng ở quê (khoảng hơn 4 nghìn m2), giá trị thời điểm đó khoảng 800 triệu. Sở dĩ tôi mua được như vậy là do địa phương có chủ trương dồn điền đổi thửa và do người dân bỏ ruộng đi làm công nhân.
Toàn bộ khu ruộng này, tôi thuê người đào ao để thả cá, đem đất dưới ruộng lên để làm vườn trồng cây: Chuối, mít, xoài, na, bưởi... Tiền thuê máy hút bùn, nhân công đào đất cũng mất cả trăm triệu bạc.
Sau 5 năm, nguồn thu từ các cây trồng của tôi là không đáng kể, thi thoảng có ít hồng xiêm để hái quả. Vài buồng chuối được chặt nhưng bán với giá rất rẻ (50 -100 nghìn đồng một buồng). Bưởi thì đang vào vụ bói năm thứ hai, bơ thì chưa ra trái. Măng tre tôi trồng năm nay cũng bói vài búp nhỏ. Ao thả cá thì mỗi năm thu về được 30 triệu đồng.
Điều rất thuận lợi là tôi có người bố thường xuyên trông nom trang trại nhỏ này. Trước đây tôi cũng có mô hình nuôi lợn rừng quy mô 20-30 con và sau đó bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi nên cũng chết dần chết mòn. Bây giờ còn trơ lại vài cái chuồng bỏ không.
Tôi cũng từng mua giống vịt trời về cho bố tôi nuôi nhưng cũng không thành công. Vì giống vịt bé, tiêu tốn nhiều thức ăn, nhân giống khó, bán giá lại rẻ vì thị trường bão hòa.
Để tập tành thể dục mỗi lần từ phố về quê, khi ra vườn tôi chở vài xe đất màu trên chiếc ba bánh mà người dân gọi là "xe cút kít" là đã thở hổn hển. Một số lần ra vườn sau đó về nhà thì nào là những vết ngứa, vết sần ở tay chân do sâu bọ cắn, bám vào. Có thể do da nhạy cảm và mỏng nên khi chân tay vướng vào những tàu lá cây là sẽ bị ngứa. Điều này rất khó chịu, các bạn phải có làn da đen, dày và thậm chí chai thì mới chịu đựng được cái nắng, cái khô trên mảnh vườn của mình.
Tôi nghiên cứu nhiều mô hình làm kinh tế nông nghiệp như nuôi rắn, nuôi nhím, nuôi chim trĩ, gà đen hay gà Ai Cập...Tuy nhiên, sau nhiều lần thấy bố mình triển khai không thành công, tôi nhận ra rằng muốn "sống chết" với nông nghiệp phải "ăn trực nằm chờ" (đam mê), áp dụng khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi, phòng ngừa bệnh tật và hiểu biết thật sâu sắc về những gì mình làm.
Nếu các bạn trẻ muốn về quê phải thật sự tỉnh táo và có vốn liếng. Các bạn sẽ làm giàu được ở nông thôn nếu các bạn có tri thức, áp dụng những điều mới mẻ, tiến bộ của các nơi (phải biết chọn lọc) để làm kinh tế. Tư duy kinh tế nông nghiệp của các bạn phải dài hơi.
Đặc biệt, mảnh đất mà các bạn định lập nghiệp ngoài yếu tố về dinh dưỡng, địa hình, chất đất thì cũng phải quan tâm đến quy hoạch của địa phương. Nơi tôi làm ao, làm vườn thì đất đai thật sự là nỗi ám ảnh. Sự chùa phèn của đất nặng nề khiến cây cối không thể phát triển. Những thớ đất được cắt và bơm vét từ ruộng tạo thành vườn. Sau nhiều năm nó vẫn chưa tơi xốp. Nhiều loại cây tôi đưa về trồng không thể đâm rễ phát triển được.
Vấn đề lưu tâm cho các bạn đó là chính quyền địa phương có cho phép người dân được chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay không? Được phép làm trang trại hay được phép trồng cây lâu năm hay không?
>> Ảo tưởng bỏ phố về quê như Lý Tử Thất
Trong khoảng thời gian thu hoạch cây trái, các bạn phải rất vất vả để "lấy ngắn nuôi dài". Trồng rau cũng phải 2-3 tháng mới được cắt bán, nuôi con gì cũng phải chuồng trại và cũng phải cần thời gian. Chi phí bỏ ra, nhân công và sức khỏe của các bạn. Chuồng trại xây cất tốn kém về vật liệu và nhân công. Khi cây trồng có thu phải xây bờ bao. Tiền cây và con giống nhiều lần tích tụ lại cũng chiếm kha khá khoản phải chi.
Năm nào tôi cũng phải thuê người đổ thêm đất và làm cỏ, sửa lại trang trại (kè bờ ao, đổ thêm đất màu, làm cỏ vườn, xây tường rào).
Sau những bài học mà tôi đã trải nghiệm, tôi khuyên các bạn trẻ "chớ có dại" mà về quê đầu tư làm nông nghiệp. Bài toán phát triển kinh tế nông nghiệp là câu chuyện của đường dài cần rất nhiều sự tính toán chi li, cẩn trọng.
Khi nhớ quê các bạn có thể về chơi và cảm nhận bằng tất cả tình yêu thương về nó. Còn "sống mái" để có thu nhập từ quê thì quả là vấn đề khó khăn. Nó sẵn sàng lấy đi thanh xuân của bạn, lấy đi vốn liếng bao năm dành dụm và cả mâu thuẫn vợ chồng của các bạn chỉ vì vì "người thích ở thành phố - kẻ thích ở nông thôn". Chúc các bạn có sự lựa chọn thông minh nhất.
Cù Văn Trung
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.