(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tôi sinh sống và làm việc tại New Zealand đến nay đã được gần ba năm. Hiện tại, tôi đang làm việc cho một công ty người bản xứ với số lượng nhân viên trên 40 người. Tôi thuê nhà ở khu nội thành để tiện đi lại làm việc. Những bạn sống cùng nhà đa phần người Việt, nhưng cũng có cả người nước ngoài. Chúng tôi người đi học, người đi làm, ít khi thấy mặt nhau ở nhà.
Vào ngày 23/3, Chính phủ New Zealand mở cuộc họp báo và tuyên bố toàn dân chuyển cấp độ báo động của đại dịch Covid-19 tại quốc gia này từ mức độ 3 lên mức độ 4 trong vòng bốn tuần. Đây là mức độ cao nhất trong thang báo động của dịch bệnh tại New Zealand. Tình trạng báo động này có hiệu lực bắt đầu từ 23h59' thứ tư (25/3). Trong vòng 48 tiếng, các cơ sở, trường học, quán ăn và các doanh nghiệp bắt buộc phải đóng cửa. Trừ những doanh nghiệp, dịch vụ, và những nhân viên làm việc cho những cơ sở cung cấp các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu được tiếp tục hoạt động trong thời gian cách ly toàn xã hội.
Song song với lệnh cách ly, Chính phủ đưa ra gói cứu trợ quốc gia để đảm bảo tình trạng kinh tế và đời sống người dân không lao vào vực thẳm với thời hạn lên đến ba tháng. Các chuyến bay nội địa, quốc tế đều được cắt giảm đáng kể, trừ trường hợp chung chuyển các thiết bị y tế, lương thực thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, các trường hợp khác hầu hết đều bị ngưng hoạt động. Nhà nước cũng linh động cho một số công dân nước ngoài điều kiện quay về nước hoặc công dân New Zealand nhập cảnh với số lượng chuyến bay hạn chế và điều kiện sức khỏe đảm bảo.
Với lời kêu gọi "Stay home – Safe lives" (tạm dịch: "Hãy ở nhà để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng"), đến nay toàn quốc gia đã trải qua hơn hai tuần cách ly xã hội.
>> 14 ngày cách ly của tôi vì bay sang New Zealand
Tôi còn nhớ vào những ngày đầu cách ly, rất nhiều xe cảnh sát đặc vụ, và cả trực thăng đi tuần tra liên tục. Lúc nào ở nhà, tôi cũng nghe tiếng còi báo động hay tiếng động cơ phản lực xung quanh khu mình sống. Đôi lúc khi đi mua đồ, tôi bắt gặp cả đoàn xe cảnh sát 4-5 chiếc nối đuôi nhau đi làm nhiệm vụ. Chính phủ cho phép người dân đi mua đồ dùng thiết yếu và hít thở không khí bên ngoài. Những ngày đầu tiên khi ra công viên tản bộ, ngoài tôi ra, số lượng người tại sân bóng chỉ vỏn vẹn vài ba người.
Ở siêu thị, do trước lệnh cách ly, khá nhiều người đã trữ sẵn thức ăn, đồ dùng cần thiết, nên những ngày đầu ở đây vắng đến bất ngờ. Hàng hóa được chất mới, khẩu trang, khăn giấy, các mặt hàng thiết yếu không thiết thứ gì, thịt cá và rau củ tươi rói. Giá cả ở đây cũng vậy, không có gì thay đổi nhiều, không có tình trạng bán phá giá. Những đồ dùng thiết yếu sẽ bị hạn chế số lượng mua, tránh việc người tiêu dùng tích trữ quá nhiều. Những ca mắc bệnh tại New Zealand lúc này dao động từ 60 đến 80 ca mỗi ngày.
Hơn một tuần trôi qua, có vẻ nhiều người bắt đầu chán cảnh cứ ở nhà mà không đi đâu. Số người đến công viên dần tăng mạnh, có lúc tôi đếm được tới 20 người một lúc. Dĩ nhiên, mọi người đều ý thức giữ khoảng cách an toàn, tránh tiếp xúc quá gần nhau, nhưng hầu hết chẳng ai quan tâm đến việc đeo khẩu trang, găng tay. Tình hình ở siêu thị có vẻ khá hơn, trên 80% những người đi mua sắm đeo khẩu trang, quấn khăn choàng, hoặc đeo cả mặt nạ.
Siêu thị lúc này đông không kể siết. Những bạn sống chung nhà với tôi, hay đi chợ vào ban ngày kể rằng, người xếp hàng dài xuyên suốt bãi đỗ xe. Phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới có thể vào trong do số lượng một lần vào là 10 người, mỗi người được mua tối đa 30 phút, mỗi nhà đại diện một người vào mua. Do tình trạng quá tải tại các siêu thị, ứng dụng dò thời gian xếp hàng đợi tại các siêu thị ra đời. Nhiều siêu thị khuyến khích mua hàng trực tuyến vào thời gian này. Do nhà gần siêu thị, tôi thường tranh thủ một tiếng trước khi đóng cửa để tránh phải xếp hàng và chen lấn nhau khi mua sắm.
Về phần công việc, người dân New Zealand tiếp nhận triển khai của chính phủ khá đồng nhất. Các công ty, doanh nghiệp nhanh chóng yêu cầu nhân viên triển khai thu xếp các giấy tờ, tài liệu cần thiết về nhà khi lệnh được đưa ra. Thông thường, do nhiều công ty tại New Zealand thực hiện mô hình 4-1 (bốn ngày làm việc tại văn phòng, một ngày làm việc tại nhà), nên việc làm tại nhà không quá mới mẻ với mọi người. Các ứng dụng trò chuyện nhóm, hoặc trên toàn công ty đều được cài đặt sẵn trong máy tính làm việc.
Trường hợp cần tổ chức những buổi thảo luận, cuộc họp trực tuyến, tất cả nhân viên đều nhanh chóng, dễ dàng tham gia. Một số công ty còn tổ chức các cuộc trao đổi, mời chuyên gia để chia sẻ cách thức chống khủng hoảng và thích nghi với môi trường làm việc toàn thời gian ở nhà. Những hoạt động này phần nhiều giúp nhân viên cởi mở hơn, tham khảo thêm cách đồng nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch, và nối kết mối quan hệ giữa các nhân viên luôn chặt chẽ.
Các trường học, cơ sở giáo dục cũng nhanh chóng triển khai mô hình dạy học trực tuyến. Học sinh, sinh viên tham dự lớp học do các giảng viên hướng dẫn thông qua các phần mềm Zoom, Canvas. Các bài học, bài tập về nhà, kiểm tra, chấm điểm đều diễn ra theo giáo trình. Thậm chí, việc điểm danh cũng dễ dàng được theo dõi dựa trên số lượng sinh viên, học sinh đăng nhập vào nhóm. Có những bất cập của học trực tuyến là độ tập trung của sinh viên không được cao, tùy vào ý thức từng người, và giảng viên cũng chỉ độc thoại, ít có sự tương tác.
Quán ăn, nhà hàng trong những giai đoạn này đều bắt buộc phải đóng cửa. Thậm chí, các hàng quán bán thức ăn nhanh, hoặc cho mua mang đi đều không được hoạt động vào giai đoạn này. Tuy nhiên, với gói hỗ trợ của Chính phủ, những nhân viên làm bán thời gian (dưới 20 tiếng/ tuần) được nhận 350 đôla New Zealand/ tuần và 585.8 đôla/ tuần cho nhân viên toàn thời gian (trên 20 tiếng/ tuần) sau thuế. Gói hỗ trợ lên đến ba tháng giúp cho đời sống người dân ổn định. Những bạn sinh viên cùng nhà vói tôi có hợp đồng làm thêm nên cũng trang trải phần nào trong thời điểm khó khăn này.
>> Được - mất khi kéo dài cách ly xã hội
Các cơ sở cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu bận rộn hơn bao giờ hết. Ngày ngày người dân vẫn tiếp tục xếp hàng đi mua sắm ở các siêu thị, kiểm tra sức khỏe ở các trạm y tế, các xe tải vận chuyển hàng vẫn tấp nập cung ứng các nhu yếu phẩm, đảm bảo hàng hóa luôn đầy đủ đáp ứng nhu cầu cho người dân. Chính phủ hỗ trợ hết mình để những hoạt động này diễn ra với năng suất tốt nhất. Thậm chí, các tuyến xe buýt, xe điện vẫn chạy để phục vụ người lao động. Các tuyến đường đại lộ, cao tốc được dành riêng cho nhân viên, công nhân làm việc trong các lĩnh vực nhu yếu phẩm. Chính phủ không hỗ trợ cho những người làm việc thời vụ. Dịch bệnh cướp đi miếng ăn của rất nhiều người, đặc biệt những ai không có hợp đồng làm việc.
Nhìn chung, hơn hai tuần trôi qua, số lượng ca nhiễm bệnh được kiểm soát khá tốt. Hiện nay, số ca nhiễm dao động từ 25-50 ca. Đến 9/4, tổng số ca nhiễm là 1.283 ca. Tuy so sánh với Việt Nam, số lượng này được cho là cao nhưng so sánh với các nước phương Tây, thực tế New Zealand đã có những bước đi táo bạo, khắc phục tình hình dịch bệnh. Nếu không có lệnh cách ly toàn quốc, số lượng này có thể sẽ gấp 4-5 lần số lượng hiện nay. Số người phục hồi tính đến nay là gần 400 ca. Số lượng lây nhiễm cộng đồng đã giảm đáng kể.
Đại diện chính phủ, Thủ tướng Ardern, kêu gọi người dân đợi đến ngày 20/4 về quyết định có cần thiết gia hạn cách ly xã hội hay chuyển mức độ báo động từ mức 4 xuống mức 3 vào ngày 22/4. Hy vọng rằng với tình trạng hiện nay lệnh đóng cửa và cách ly toàn xã hội sẽ được nới lỏng. Theo đó, các công ty, xí nghiệp có thể quay lại hoạt động bình thường và nền kinh tế có thể từng bước gây dựng lại.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.