Chuyện vui họ cũng nhậu, buồn cũng uống, không có chuyện gì cũng bày mâm là chuyện quá bình thường. "Văn hoá" bia rượu của đàn ông nước ta có lẽ quá phổ biến không cần phải nói. Nhưng có vài thời điểm và trường hợp riêng cá nhân tôi thấy đàn ông dùng rượu bia trong những khoảnh khắc ấy có vẻ hơi kỳ cục và không phù hợp lắm. Dù bản thân tôi cũng dùng được một lượng cồn ra trò nhưng nhìn bia rượu trong những trường hợp mà tôi liệt kê ra sau đây có cho vàng tôi cũng không uống.
>> Sau ba tháng bỏ nhậu, tôi có hai kệ sách đầy ắp
Có lần, tôi vào bệnh viện thăm người quen đang điều trị. Bước qua sân bệnh viện tui nghe khá rõ tiếng mở lon, nghía mắt nhìn sang tôi thấy tốp vài người đàn ông trải túi nylon, mở bia uống không khác gì đang đi picnic trong Thảo Cầm Viên. Tôi khá là bất ngờ nhưng dần về sau cứ vô bệnh viện tôi đều bắt gặp vài hình ảnh tương tự trong khuông viên nơi cần sự tĩnh lặng và tập trung chăm lo cho người bệnh.
Là một người có dùng bia rượu, tôi tự hỏi trong những trường hợp đi thăm thân nhân người nhà trong bệnh viện thì rượu bia có tác dụng gì? Khi người thân của mình đang đau đớn nằm trên phòng, các y bác sĩ đang điều trị tích cực, môi trường bệnh viện là nơi cần sự yên tĩnh, mình lại rủ nhau đi uống bia ngay phía dưới sân, thậm chí trên những bậc cầu thang. Dù với bất kỳ lý do gì chăng nữa được đưa ra trong trường hợp này, tôi vẫn nhìn những gã đàn ông kia...với con mắt thật sự chán chường.
>> Người Việt chơi gì nếu không nhậu nhẹt?
Đặc biệt hơn có lần đưa vợ đi sanh trong bệnh viện phụ sản lớn nhất thành phố, tôi vẫn nghe và bắt gặp được hình ảnh mở lon bia trong khoảng sân rộng và thoáng mát của nơi này. Tôi không đoán được những người đàn ông này đã tiếp xúc với sản phụ và hài nhi hay chưa hoặc giả đóng vai trò như thế nào trong lần vượt cạn của người phụ nữ. Nhưng dù với vai trò gì, hoặc đã xong cuộc thăm viếng sản phụ rồi hay chưa thì dùng bia rượu nơi đây dù ít dù nhiều trong mắt tôi là điều quá kỳ cục.
Ở một trường hợp khác mà tôi tuyệt đối không dùng qua rượu bia là nơi có đám tang. Năm nay tôi 35 tuổi đã đi viếng và phân ưu cũng khá nhiều lần. Ở quê tôi một tỉnh miền trung, phần khách viếng tuyệt nhiên không có mùi cồn. Nhưng khuya đến khi chỉ còn những người thân thuộc, cánh đàn ông mang bia ra uống với lý do đêm dài thức biết làm gì? Câu nói này chẳng thể hiện được điều gì ngoài sự thiếu thốn kỹ năng chia sẻ của họ. Phải cần bia, rượu phải cần lâng lâng mới nói chuyện được. Rồi khi không kiểm soát được mọi thứ lại đi quá giới hạn lúc nào không hay. Không thiếu những đám tang mà cánh đàn ông thao thao bất tuyệt đôi khi hơi lớn tiếng do có bia rượu ngay trước linh cửu người đã khuất.
>> Cùng tác giả: Sự phân cực của phim truyền hình Việt
>> 12 tuổi 'nổi loạn' vì xem phim giang hồ Youtube
>> Nhiều người lười đọc cảnh báo, hướng dẫn sử dụng
Đám tang ở Sài Gòn còn làm tôi bất ngờ hơn, khi người nhà bày mâm tiệc với đầy đủ đồ ăn mặn và bia không khác gì những đám tiệc có tính chất vui vẻ khác...chào đón tất cả khách viếng. Tôi không dám bàn đến tục lệ hay văn hoá vùng miền ở đây.
Ở những nơi cần sự tôn nghiêm và yên tĩnh, không khí có bia rượu sẽ làm hỏng tính chất thiêng liêng quý giá của nó. Là một người có dùng bia rượu với tửu lượng tương đối, tôi dám cá rằng không ai có thể bảo đảm mình kiểm soát được độ lớn của giọng nói, thái độ của mình chuẩn mực chính xác 100% khi đã trót uống. Hình ảnh người dùng bia rượu chưa chắc xấu, nhưng nó xấu hoàn toàn khi ta quá chén, và cực kỳ xấu nếu dùng nó ở những nơi chốn, trường hợp không phù hợp.
Trên đây là ý kiến chủ quan của cá nhân tôi, cốt yếu cũng chỉ mong cánh đàn ông chúng ta nhìn ra và giảm đi những hình ảnh không đẹp trong mắt người khác, để ngày càng văn minh hơn.
Lâm Long
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.