Tôi là người theo dõi mảng điện ảnh và truyền hình của nước nhà có thể nói là gần 20 năm, nếu tính từ dấu mốc tôi quyết định tương lai mình sẽ tham gia vào một vị trí nào đó trong ngành này.
Từ đó đến nay tôi luôn theo dõi lĩnh vực này hàng ngày, nếu không muốn nói là hàng giờ. Mọi thông tin trên các kênh truyền thông từ chính thống đến các fanpage tôi đều không bỏ sót. Công việc hiện tại tuy không liên quan đến các phim cần phát sóng và chiếu rạp nhưng tôi vẫn làm công việc liên quan đến sản xuất hình ảnh và câu chuyện tương tự như hai thể loại trên.
Cộng thêm nữa, tôi đã trải qua các khoá đào tạo để trở thành người chỉ đạo thực hiện sản xuất hình ảnh nên tôi tự tin mình có một lượng kiến thức nhất định trong lĩnh vực phim truyền hình và điện ảnh Việt Nam.
>>Phim Việt dở do khán giả dễ dãi?
Một năm dịch bệnh vừa qua, tôi có thời gian để xem kỹ hơn những bộ phim truyền hình của cả nước. Tôi có thói quen không nhận xét, không đưa ra bất kỳ ý kiến gì nếu mình chưa tỏ tường và trải nghiệm thấu đáo. Từ bấy lâu nay khắp các kênh truyền thông đều khen phim truyền hình đến từ các tỉnh phía bắc, từ kịch bản đến diễn xuất, và cả về mặt hình ảnh. Tôi chưa tin lắm và quyết định dành thời gian của mình để kiểm chứng.
Sau khi có một năm để xem khoảng 10 bộ phim truyền hình, từ chính luận đến tâm lý tình cảm xã hội như Sinh Tử, Tình yêu tham vọng, Trói buộc yêu thương, Cát đỏ, Hướng dương ngược nắng... tôi thấy những nhận xét đó không hề sai.
Kịch bản truyền hình được trung tâm sản xuất phim chọn lựa và đưa vào sản xuất khá tốt. Hệ thống một bộ phim truyền hình với cấu tứ từng phần, từng tập vô cùng chuẩn chỉ... không khác mấy cách làm của những nước đang phát triển như Trung Quốc, đang có.
Tâm lý nhân vật được xây dựng trọn vẹn, chỉn chu khác biệt và rất đời, không phải kiểu cứ tốt thì tốt đến ngu muội, mà ác thì ác đến điên cuồng hoang tưởng, không thật. Về mặt thiết kế sản xuất thì khi xem bộ đầu tiên, tôi đã phải thốt lên, ồ hình ảnh phim truyền hình Việt Nam giờ đẹp quá. Làn da, góc mặt của diễn viên trên TV từ già đến trẻ đẹp không khác gì các phim Hàn Quốc cả.
Bối cảnh, đạo cụ cũng được đầu tư xác đáng. Phòng làm việc của một ông bí thư, chủ tịch tỉnh, chủ tịch tập đoàn không khác gì ngoài đời, bảng hiệu công ty lớn, phòng họp khiến người xem có cảm giác đang ở trong đúng bối cảnh đó chứ không phải đang xem những thứ dàn dựng cẩu thả. Tóm lại tôi đã không còn thấy sạn, không còn thấy khó chịu, lấn cấn gì khi xem các phim truyền hình này.
Tôi là người miền Nam, rất nhớ những bộ phim truyền hình như Đất Phương Nam, Đồng tiền xương máu...hay phim 90 phút, Mẹ con đậu đũa, Tôi vào đời, Sống Chậm, Hải Âu...đã làm tôi mê đắm và ước mơ tương lai tôi sẽ làm nên những bộ phim đầy tính nhân văn, và thấm dẫm dấu ấn văn chương như vậy.
>>'Xem phim Việt, cứ tưởng kịch nói có quay ngoại cảnh'
Nhưng đến nay mọi thứ đã khác... một năm qua như đã kể ở trên, tôi cũng đã dành thời gian để xem những bộ phim truyền hình đang phát trên các kênh sóng phía nam...và khá thất vọng.
Trong khi một số phim ngày càng phát triển về tất cả các mặt thì một các phim ngày càng...trở nên dở tệ (dĩ nhiên không phải là tất cả). Tôi đã xem rất kỹ 2 bộ phim chiếu liên tục nối nhau trên khung giờ vàng của một đài truyền hình, do cùng một đạo diễn thực hiện. Một chuyển thể từ kịch Trung Quốc, một chuyển thể từ kịch bản truyền hình Hàn Quốc. Không phủ nhận là hai tác phẩm gốc của họ rất hay. Nhưng khi đem về Việt Nam, các "đầu bếp" của ta lại xào nấu nó thành một thứ thật khó nuốt, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người bếp chính.
Việc kể chuyện theo lối mòn xưa cũ, một tập phim 45 phút có ba đoạn hồi tưởng vô thưởng vô phạt, không tình tiết mới, không cao trào nào xảy ra... Tất cả nhằm "ăn gian" thời gian lên sóng, kéo dài thêm số tập... Cách dàn dựng đầy sạn mà ngay cả một khán giả không theo dõi tường tận xem cũng cười khẩy được, phim lấy bối cảnh thập niên 90, mọi người xài điện thoại di động nắp gập, Nokia đời cũ nhưng đã vào Facebook và mua bán tiền ảo, hay hình ảnh toà nhà Landmark 81 cứ xuất hiện như một điểm nhấn của TP HCM trong phim.
Có lẽ đâu đó vị "đầu bếp" quên chính khung thời gian đang xảy ra câu chuyện trong tác phẩm của mình chăng, tôi phải thêm suy nghĩ đó trong đầu mình để có can đảm mà xem hết trọn bộ.
Bộ còn lại có bối cảnh miền Nam thập niên 30, thời Pháp thuộc. Những phong tục, nếp sống văn hoá của ông bà xưa, lề lối chữ nghĩa đối thoại hàng ngày, đạo cụ, phục trang kiểu cũ ở khung thời gian mà bộ phim đang diễn tả, tất cả đều có những điểm sai sót căn bản chứ chưa nói đến chuyện xem xét kiểu "vạch lá tìm sâu".
Đơn cử như thoại trong phim không khác gì những bộ phim hiện đại, khác xa thoại của dòng phim Hồ Biểu Chánh đặc trưng của "cung cách Nam Kỳ" cùng thời. Sau đó tôi cũng xem thêm vài bộ được gọi là sitcom khác, một dạng phim truyền hình dịch ra tiếng Việt là Hài tình huống... và nói thiệt tôi làm gì cười nổi.
>> 'Xem phim Việt ức chế vô cùng'
Kịch bản yếu ớt, tình huống xàm xí, những câu đùa vô thưởng vô phạt, phải cài thêm tiếng cười lồng sẵn vào... nhưng mấy ai mà cười nổi đâu. Trong khi đó khung giờ vàng dành cho serie phim ngắn của một đài khác, có tên là Xin chào hạnh phúc, vẫn là lực lượng diễn viên ấy, vẫn những người chế tác ấy nhưng phim coi được hẳn. Kịch bản gãy gọn, diễn xuất ổn hơn, tổng thể phim tốt hơn.
Tôi đưa ra những ví dụ trên để thấy rằng lực lượng diễn viên không có lỗi gì trong việc khiến phim truyền hình trở nên dở hơn. Có chăng là do chính những vị "đầu bếp" là những chủ công ty sản xuất, những anh đạo diễn... đã khiến họ phải tham gia vào làm những món ăn tồi tệ.
Câu cuối cùng tôi xin các vị hãy thay đổi tư duy, thay đổi cung cách sản xuất, đừng ăn xổi nữa, đừng tham một chút sóng để lấy thêm tiền mà biến đứa con của mình thành què cụt. Khán giả hiện tại họ giỏi giang và hiểu biết hơn nhiều rồi, đừng sản xuất "ăn gian" theo kiểu "cái gì khó cho qua" "làm đại, làm thí" rồi biến mình và tác phẩm của mình thành những thứ... chỉ tồn tại một giây trước remote của khán giả đại chúng.
Lâm Long
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.