(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Nhớ lúc học đại học, tôi rất chăm chỉ đọc sách. Khoảng thời gian bốn năm mài đũng quần ở giảng đường chắc phân nửa là tôi mải mê ngồi ở thư viện đọc sách. Ngoài sách chuyên ngành, tôi còn đọc thêm sách văn học, kiếm hiệp... Lúc còn học cấp ba ở quê, do điều kiện khó khăn, thiếu thốn, cơ hội được tiếp cận với sách rất hạn chế. Sách ở thư viện trường cấp ba của tôi chẳng có gì ngoài sách giáo khoa, sách tham khảo và truyện tranh. Vì thế, khung trời thư viện đại học với vô số sách vở là thiên đường của tôi.
Thế nhưng sau khi ra trường, mải mê làm việc mưu sinh làm niềm đam mê đọc sách của tôi dần tàn lụi. Với vốn thời gian eo hẹp mỗi ngày, phải giải quyết việc trên công ty, vừa phải đi gặp gỡ khách hàng và những cuộc nhậu nhẹt dần chiếm lấy thời gian đọc sách. Đã nhiều năm rồi sau khi ra trường và đi làm, tôi chưa hề đụng đến quyển sách nào (không tính sách học ngoại ngữ, học chuyên ngành nâng cao...).
Đã có người đặt câu hỏi, nếu không nhậu nhẹt thì người Việt giải trí bằng gì? Nhiều người trả lời rằng nếu không đi nhậu với bạn bè thì ngồi xem tivi, gameshow, hoặc lướt facebook. Quả thật, ví dụ ngay ở TP HCM này, quán nhậu mọc đầy đường, chiều nào cũng đông người ngồi ăn nhậu rôm rả, dù cho đó là đầu tuần hay cuối tuần. Nhưng có mấy ai từng một lần đến thư viện quận mượn sách, hay đi nhà sách mỗi dịp rảnh rỗi để tìm cho mình một cuốn sách ưng ý rồi thả hồn vào đấy?
>> Xã hội mất thói quen đọc sách, hành vi vô văn hóa tăng dần
Theo một nghiên cứu, người Việt trung bình đọc 4 cuốn sách mỗi năm, trong đó có 2,8 cuốn là sách giáo khoa và 1,2 cuốn là sách khác. Nếu tính sòng phẳng hơn, thì một báo cáo khác đưa ra con số là mỗi người chỉ đọc 1 cuốn sách trong một năm.
Khi xã hội mất thói quen đọc sách, chúng ta sẽ thấy những cá nhân trong xã hội đó thường có lối hành xử thiếu chuẩn mực văn hoá. Chúng ta không còn xa lạ gì khi nghe những cuộc ẩu đả, những cuộc cãi vả hoặc đánh nhau chỉ vì cái liếc, cái nhìn được cho là đểu. Khi xã hội mất thói quen đọc sách, hành vi vô văn hóa tăng dần.
Rồi bỗng dưng đầu năm nay, từ sau nghị định 100 phạt nồng độ cồn có hiệu lực, và thêm đợt nghỉ cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19, cá nhân tôi không còn đi nhậu, uống bia sau mỗi buổi chiều hay dịp cuối tuần nữa. Vậy là thời gian rảnh rỗi này, tôi tái lập lại thói quen đọc sách cho mình và cho gia đình. Muốn đọc sách thì trước tiên phải có sách, tôi trích một khoản tiền để đầu tư hai kệ sách trong nhà. Tôi tìm mua lại những tựa sách mình đã đọc và cập nhật những tựa sách mới bằng cách mua qua mạng. Chỉ trong hai tuần là hai kệ sách nho nhỏ trong nhà đầy ắp. Tiền ăn nhậu bao nhiêu cũng hết, nhưng tiền mua sách thì vẫn còn đấy chứ chẳng mất đi đâu. Vậy là tính sơ sơ khoảng thời gian hơn ba tháng bỏ ăn nhậu, tôi đã tái lập lại thói quen đọc sách cho mình và đã tìm lại cảm hứng với sách như năm xưa từng có.
>> Đừng bắt con giỏi tiếng Việt khi ba mẹ lười đọc sách
Nhiều người đã nói về về tủ rượu của người Việt và tủ sách của người Do Thái, với hàm ý người Việt chưa thật sự quan tâm đến văn hóa đọc. Tôi thì mong muốn mỗi gia đình, cố gắng trang bị thêm một kệ sách. Sách văn học, sách nghiên cứu cho người lớn, sách thiếu tri cho trẻ nhỏ, để kéo chúng ta ra khỏi những thú vui giải trí vô bổ trên internet mà mỗi tối ai cũng cắm cúi vào màn hình máy tính và điện thoại.
Người xưa có nói: "Thư trung hữu nữ nhan như ngọc", tức trong sách có người con gái nhan sắc đẹp như ngọc. Phải chăng hàm ý ẩn dụ "nữ nhan như ngọc" ở đây là những điều hay lẽ phải mà sách đem đến cho người đọc chúng? Người có đọc sách và đọc nhiều sách sẽ có suy nghĩ và hành xử khác xa người quanh năm chẳng hề biết đọc là gì.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trangÝ kiến tại đây.
Hoàng Lê