Sau bài viết Sau ba tháng bỏ nhậu, tôi có hai kệ sách đầy ắp độc giả Lee_nongdan chia sẻ đã đọc được nhiều sách hơn sau khi bỏ nhậu:
Tôi đọc hơn 10 quyển trong 6 tháng vừa rồi mặc dù trước đó tôi hay đọc nhưng hơn hai tháng mới xong quyển vì nhậu nhẹt, cà phê la cà vào cuối tuần. Tôi từng nhậu "tưng bừng" vì làm nghề xây dựng. Một bữa nhậu có thể mua 3-4 sách rồi (500 nghìn đồng). Các bạn sau 35 tuổi sẽ thấy tác hại của việc nhậu và sức khỏe sau trận nhậu... Hãy đọc sách để có thêm nhiều điều mới mẻ.
Độc giả Luật sư Thỏa chia sẻ đã tìm được thói quen đọc sách:
Tôi cũng giống tác giả là khi còn học phổ thông, tôi đọc bất kỳ sách gì nếu có. Đến khi vào đại học thì thói quen đọc sách mất dần (tôi chỉ còn đọc báo hoặc tạp chí), đến khi ra trường thì thói quen đọc sách mất hẳn.
Nhưng khoảng một năm trở lại đây, tôi hay thấy bạn bè tôi nói chuyện là đang đọc cuốn này, cuốn kia, thế là đam mê đọc của tôi cũng bắt đầu nhen nhóm lại. Đồng thời để khuyến khích cậu con trai 10 tuổi của tôi đọc sách nên tôi cũng phải đọc để con đọc theo.
Đến nay tôi cũng đã đọc lại được khoảng một năm, nhưng sách tôi đọc là tôi hay tải trên mạng về hoặc là đọc online chứ ít mua sách in. Hiện nay một tháng tôi đọc bình quân khoảng 3-4 cuốn sách, sách tôi đọc đủ mọi thể loại.
Độc giả hquang.xd cho rằng văn hóa đọc phải được tạo dựng và tích lũy trong thời gian dài, qua nhiều thế hệ:
Thật ra đã gọi là văn hóa đọc thì có nghĩa là phải được hình thành nuôi dưỡng bởi nhiều yếu tố trong một thời gian dài.
Về mặt nhu cầu: Đơn cử như trong hoàn cảnh hiện tại, khi mà internet bùng nổ, việc tra cứu thông tin khá tiện lợi, ngoại trừ những thông tin chuyên ngành (chuyên môn sâu). Người ta không cần vào thư viện lùng sục đọc cả một quyển sách để tìm ra một vấn đề khúc mắc, nếu nhập đúng từ khóa thì internet sẽ cho kết quả chính xác và nhanh chóng.
Còn về mặt sở thích cá nhân: Có một số ít các bạn đam mê, thích thú với việc đọc thì không bàn tới. Nhưng phần đa là hướng tới nhu cầu giải trí thì...thời đại công nghệ cho chúng ta 1.000 thứ để giải trí chỉ cần bấm bấm vuốt vuốt và còn có tính tương tác cao với xã hội ảo.
Thêm một yếu tố nữa tôi nghĩ đến là: cách dạy và học của nền giáo dục, nhét chữ vào vở. Như ở một số nền giáo dục tiên tiến, họ đề cao học sinh, đề cao tự chủ trong tư duy, khuyến khích sự tự tìm tòi, cho sử dụng tài liệu khi thi. Thay vì thi cử áp lực đặt nặng thành tích thì sẽ có những bài luận để học sinh tạo thói quen chủ động tìm kiếm thu thập thông tin. Tôi nghĩ điều này tác động khá lớn đến thói quen đọc sách.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trangÝ kiến tại đây.