"Tôi lớn lên trong một gia đình đông con nhưng hiếu học. Năm anh chị em tôi đều học giỏi nổi tiếng, đều học trường chuyên của tỉnh. Chúng tôi lớn lên với sự dạy bảo nghiêm khắc và định hướng rõ ràng của bố mẹ: phải học bằng mọi giá để thoát ly. Các anh em tôi, bạn bè khóa tôi đa phần đều rất thành đạt và khá nổi tiếng trong lĩnh vực nghề nghiệp của họ.
Tôi thông minh nhưng ham chơi và yêu sớm. Nếu không có sự khuyên bảo của bố mẹ, có lẽ tôi đã không học hết cấp ba. Với tính bồng bột của tuổi trẻ đó, nếu không có sự dìu dắt, định hướng của bố mẹ, đời tôi có thể đã rất khác.
Tuổi 15-18 còn rất non nớt trong suy nghĩ, các con sẽ ra sao nếu bố mẹ để cho chúng tự định hướng, thích thì học, không thích thì nghỉ để đi làm? Các cháu còn quá bé để nhìn nhận thấu đáo đâu là đúng, đâu là sai, rất cần có bố mẹ ở bên để động viên, tiếp sức.
Trở lại với quan điểm của nhiều bậc phụ huynh: "Con học được bao nhiêu thì học, không thì đi làm kiếm tiền". Tôi hoàn toàn không đồng tình. Tôi biết người Việt ở Mỹ dù có học giỏi cũng không mấy ai kiếm được việc tốt với thu nhập cao và đúng ngành được đào tạo. Có những người vẫn đi làm móng tay, làm đầu bếp (thu nhập khá cao, không cần trình độ học vấn). Còn ở Việt Nam, nếu không được học hành tử tế, con bạn chỉ có thể đi làm công nhân, vất vả nhưng thu nhập không đủ sống.
Nếu không có sự kèm cặp, dìu dắt, đồng hành của bố mẹ, các con phải tự bơi thì hoàn toàn có thể sẽ chìm. Đời chúng khổ thì bố mẹ cũng khổ theo. Thế nên, dù sống ở đâu, việc cha mẹ theo sát, định hướng cho con cái không bao giờ là sai, chỉ cần chúng ta đừng quá áp đặt là được".
Đó là quan điểm của độc giả Looser xung quanh câu chuyện "Có nên ép nếu con không muốn học?". Thời nay, nhiều cha mẹ chạy theo xu hướng để phát phát triển tự nhiên, tự do làm những điều mình thích. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong nuôi dạy con, điều quan trọng là phải "cho phép" con được lựa chọn, vạch ra con đường và để con tự học hỏi từ những sai lầm. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ quá dễ dãi, cho con thích làm gì thì làm, ít kỷ luật, ranh giới, thực sự lại là đang làm hại con.
Đồng quan điểm về việc nuôi dạy con có định hướng, bạn đọc Tran anh toan chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng, việc giáo dục, định hướng của cha mẹ cho con cái là rất quan trọng. Ở tuổi ẩm ương, trẻ chưa có đủ kỹ năng lựa chọn hướng đi cho tương lai, nên rất cần sự dìu dắt từ cha mẹ. Với những trẻ biết tự giác trong học tập và lao động thì cha mẹ không cần giám sát nhiều. Còn đối với những đứa ham chơi hơn ham học thì cha mẹ rời mắt là hỏng ngay.
Tấm bằng đại học có thể không thể hiện năng lực một con người nhưng nó là cái gốc cho sự nghiệp và công danh đối với nhiều người. Đi hoc, lấy bằng, làm việc, sự nghiệp công danh, giàu có, đây mới là quy trình hoàn hảo. Còn đi học, không lấy bằng, đi làm kiếm tiền, giàu có chỉ là sự thành công không hoàn hảo. Vậy khi con cái có cơ hội để học thì sao cha mẹ lại không giúp chúng học đến nơi đến chốn?".
>> Dạy con tự do nhưng không 'hoang dại'
Đó cũng là cách dạy con của độc giả Huynhphu: "Tôi dạy con biết tiêu tiền và kiếm tiền, biết cách trân trọng sự lao động ngay từ nhỏ. Dù ít can thiệp vào việc riêng của con nhưng tôi luôn định hướng cho con cái. Vì chúng ta đã trải qua thực tế nên có kinh nghiệm sống tốt hơn con. Hãy chia sẻ về công việc, về cuộc sống, về những người xung quanh, những mãnh đời bất hạnh, những tấm gương xã hội... để con nhận ra thế giới quanh mình.
Như tôi dạy con biết quý trọng đồng tiền, hạt gạo nên cho con xem những phim tài liệu về những trẻ em châu Phi nhìn rất đáng thương. Nhờ đó con thấy trân trọng và cố gắng vươn lên để sau này kiếm tiền không vất vả, không những giúp cho bản thân con mà còn giúp cho rất nhiều người khác. Tôi không ép con học gì mà chỉ là mang tính định hướng và phát huy sở trường của con. Có thể văn hóa và môi trường mỗi nơi mỗi khác, nhưng nói chung, chúng ta đều luôn mong muốn con mình tự lập và thành công".
Lấy ví dụ từ chính gia đình mình, bạn đọc Donald khẳng định tầm quan trọng của việc định hướng cho con ngay từ nhỏ: "Tôi ưluôn dạy con phải cố gắng hết sức dù chơi hay học. Chỉ cần các con cố gắng hết sức là được, còn thành tích không quan trọng. Nếu con cố gắng hết sức mà thành tích chưa tốt thì tôi cũng vui vì con đã cố gắng.
Cuộc sống rất nhiều áp lực và cạnh tranh, nếu các bậc phụ huynh dạy con theo kiểu để chúng tự nhiên phát triển thì không ổn. Tùy mục tiêu của mỗi người mà chúng ta cho con học phù hợp. Bạn muốn thi Đường lên đỉnh Olympia bạn phải giỏi tất cả các môn; bạn muốn làm lãnh đạo thì vừa phải giỏi chuyên môn vừa phải giỏi giao tiếp, quan hệ; bạn muốn làm Trưởng bộ phận thì chỉ cần giỏi các môn chuyên ngành....
Nói tóm lại, công việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt mà trẻ không học, không cố gắng thì đừng mong thành công. Các con phải học, phải cố gắng hết sức, còn cha mẹ không đặt nặng thành tích. Đừng tạo tính lười biếng, không cố gắng, nõ lực cho các con ngay từ bé".
>> Bạn có đồng tình với quan điểm dạy con trên? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.