Vô tình đọc được chủ đề: "Lớn lên trong một gia đình độc hại" và những ảnh hưởng của nó lên tâm lý con trẻ, tôi giật mình nhận thấy có chút liên quan tới bản thân mình và gia đình. Các dẫn chứng về các thuật ngữ không hoàn toàn phản ánh trường hợp của tôi, nhưng có những va chạm tương đồng. Có thể trong một giai đoạn nào đó, chúng tôi (tôi và bố mẹ) đã khó khăn để hiểu và thông cảm cho nhau.
Mỗi người là một bản thể. Kể cả họ được gắn bó với nhau bằng tình yêu, hay tình thân, trách nhiệm, thì trong quá trình sống chung, những mâu thuẫn, va chạm là không thể tránh khỏi. Những kỳ vọng, mong muốn của mỗi người là khác nhau.
Tôi nhớ tuổi thơ của mình rất nhiều màu sắc. Tôi thường chơi một mình, cảm nhận những cái cây, con vật, cuộc sống của những người hàng xóm trong cái Ô 17 có gần 20 hộ dân.
Tôi nhớ rất rõ những ký ức, cảm nhận trong veo về mọi thứ, mọi người diễn ra xung quanh mình: Những vất vả mưu sinh của những người phụ nữ trong giai đoạn vừa hết bao cấp; sự tranh cãi của gia đình bác hàng xóm; và cảm nhận rõ tình yêu của bố mẹ dù họ xa nhau tới nửa vòng trái đất những bốn năm trời... Mọi thứ ở giai đoạn đó chỉ là tôi quan sát và biết như vậy, hoàn toàn chưa có suy nghĩ gì.
Lớn hơn một chút, bố về đoàn tụ với cả nhà. Gia đình chuyển lên phố, sống trong một căn hộ tầng một chỉ 24 m2 để có chỗ cho bố buôn bán tạp hóa. Tôi bắt đầu biết cảm nhận, biết suy nghĩ, và đánh giá. Tôi bắt đầu nhận ra những cãi vã mệt mỏi của bố mẹ xoay quanh chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Những kỳ vọng của mẹ dành cho bố khi xã hội bước vào giai đoạn kinh tế thị trường, những kỳ vọng của mẹ đối với con cái cho bằng con nhà người ta. Tôi đọc được sự mệt mỏi và bất lực của bố trước những mong muốn của mẹ.
Mọi thứ cứ như guồng quay, khiến mẹ rất ít thời gian nói chuyện với tôi. Trong những buổi gặp mặt họ hàng, bạn bè, nếu có kể chuyện về ngày xưa, mẹ hầu như chỉ kể những câu chuyện về anh trai tôi. Khi sinh anh ra sao, xinh đẹp như hoàng tử thế nào...? Thi thoảng, tôi hồn nhiên hỏi "con thì sao?". Mẹ chỉ "à, ừ", rồi kể qua loa vài ý. Tôi bắt đầu so sánh, những ký ức của mẹ về tôi chỉ có một, hai dữ kiện, còn với anh trai tôi thì mẹ nói mãi không hết.
Tôi cũng bắt đầu so sánh. Mẹ thường khen ngợi ngoại hình của anh trai và nhiều khi cùng anh "phối hợp" để trêu tôi "gầy nhẳng, tóc xoăn tít...". Và việc trêu đùa ngoại hình của tôi càng ngày càng nhiều hơn, khiến tôi thực sự nghĩ rằng mình là một đứa con gái kém sắc.
Tôi cũng chợt nhận ra, mỗi lần cáu bố, nếu "giận cá chém thớt", tôi thường là đứa chịu trận. Có những lần, những bức xúc, căng thẳng của mẹ dồn lại bằng những lời lẽ thực sự có thể ghi vào sách giáo khoa của "Những lời nói gây tổn thương". Còn bố, thì gần như rất ít khi nói chuyện và chưa bao giờ đưa đón tôi đi học, ngồi học cùng tôi, hay đưa tôi đi chơi, mua quà cho tôi, kể từ khi tôi lên sáu tuổi.
Từ so sánh đó, tôi tự nhủ mình phải giỏi hơn anh. Tôi dành thời gian để học, học đêm ngày. Tôi cũng thể hiện mình là một thủ lĩnh quyết đoán, với vai trò cán sự lớp trong suốt những năm đi học. Ở lớp, tôi được thầy cô và bạn bè đánh giá tốt. Sự ghi nhận ấy phần nào giúp tôi cân bằng được ý thức về giá trị của bản thân.
Nhưng tôi còn muốn hơn thế. Tôi cố gắng để hoàn hảo hơn trong mắt bố mẹ. Mọi chuyện thay đổi tốt lên, khi tôi lên lớp 8. Tiền có được từ học bổng, từ những lần nhịn ăn sáng, tôi tích góp lại cho những dịp đặc biệt. Tôi mua quà cho bố mẹ và anh nhân ngày đặc biệt, nhân ngày sinh nhật, nhân ngày cưới của bố mẹ - những điều trước đây chưa từng có ở gia đình.
Tôi không nhớ lý do gì đã khiến mình hành động như vậy. Tôi bắt đầu thấy mẹ dịu dàng và quan tâm hơn tới mình. Và sinh nhật năm tôi học lớp 8, lần đầu tiên trong đời, tôi được tổ chức sinh nhật, có bánh kem hai tầng, có quà tặng mẹ bày ngay ngắn trên bàn có trải khăn, cắm một lọ hoa.
Mẹ cũng bắt đầu quan tâm rằng tôi đã lớn, cần phải biết ăn diện. Mẹ bắt đầu cho tôi mua quần áo mà không phải mặc lại đồ cũ, hay mặc lại những món đồ sứt quai áo, hở mõm giày... Tôi đã nhận ra những cố gắng, sẻ chia của mình được nhận lại bằng sự dịu dàng, quan tâm mà tôi hằng mong muốn.
>> Những đứa trẻ không được yêu thương công bằng
Rõ ràng, trong một giai đoạn cuộc sống của gia đình tôi, những ngột ngạt, căng thẳng và tổn thương nhau đã có. Nó đến từ những bí bách tồn tại trong chính suy nghĩ của người lớn hay con trẻ, và cứ tích tụ, lớn lên mỗi ngày, rồi bột phát ra bằng những căng thẳng, dằn dỗi nhau.
Bố vốn là một người đơn giản, lãng mạn, nhưng luôn không thấy đủ với kỳ vọng của mẹ - những áp lực của người phải kiếm được tiền nhưng lại không kiếm được quá nhiều. Mẹ ấm ức vì những mệt mỏi phải kiếm tiền lo cho gia đình, việc nhà và hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn, những so sánh với vợ nhà người ta, hay đơn giản là so sánh với cuộc sống đủ đầy hơn của các chị em gái của mình. Tôi thì tủi thân với sự so sánh là đứa không được quan tâm, yêu thương và khen ngợi, động viên, chỉ có ông anh trai "vô tư hưởng thái bình".
Cho tới bây giờ, kể từ sau giai đoạn đó, gia đình chúng tôi vẫn duy trì các thói quen tốt, đó là luôn cùng nhau kỷ niệm những ngày lễ, ngày đặc biệt của mỗi thành viên, nói chuyện với nhau nhiều hơn, chăm sóc nhau nhiều hơn. Chúng tôi đã thực sự cảm nhận được sự ấm áp, niềm vui khi được trở về nhà.
Tôi tin những khó khăn của gia đình tôi khá tương đồng với nhiều gia đình khác. Thực sự, mỗi gia đình, trong một giai đoạn nào đó, sẽ đều có những vấn đề mà tưởng như không thể ngồi lại, không tìm được tiếng nói chung. Vì không có một điểm sáng để thấy sự cố gắng xây dựng của mỗi người, thì việc chia rẽ là điều khó tránh khỏi. Nó được gọi là giai đoạn của "gia đình độc hại".
Bởi những va chạm, những bất mãn tưởng nhỏ, cứ bào mòn, xoáy sâu, cho tới khi thành một vết rạn nứt lớn. Và mỗi vết rạn đó, không ít thì nhiều đều gây ra những tổn thương tới sự phát triển của trẻ nhỏ. Với tôi, cho đến khi trưởng thành, nhiều khi vẫn có tâm lý thiếu an toàn, sợ không được yêu thương và vì vậy rất muốn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của người khác.
Nhưng tôi tin rằng, chỉ cần mỗi người cùng có ý thức vun đắp cho cái chung, biết tiết chế sự nóng vội của bản thân, thì tỷ lệ gia đình ly tán vì ly hôn sẽ giảm bớt đi rất nhiều. Những tâm hồn bị tổn thương của trẻ nhỏ cũng giảm đi, và hạnh phúc sẽ nhân lên. Xã hội vì thế cũng bớt những bon chen, vị kỷ. Suy cho cùng, có ai là hoàn hảo, và cuộc sống thì đâu có bằng phẳng bao giờ.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.