Tìm hiểu về bản chất khối u và bệnh ung thư là tiền đề giúp các nhà khoa học tiến gần hơn tới việc phát triển thuốc hoặc tìm các phương pháp trị liệu không dùng thuốc.
Tập thể dục làm giảm sự phát triển ung thư tuyến tụy
Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí Cancer Cell vào tháng 6, các nhà khoa học phát hiện người mắc ung thư tuyến tụy sẽ cải thiện nhanh chóng nếu duy trì tập thể dục điều độ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những con chuột chạy trên máy chạy bộ thu nhỏ khoảng 30 phút mỗi ngày có mức interleukin-15 cao hơn. Interleukin-15 là một loại cytokine thường được giải phóng trong khi tập thể dục. Cytokine huy động các tế bào miễn dịch có khả năng xâm nhập và phá hủy khối u.
Trong phân tích sơ bộ ở người, các chuyên gia phát hiện mẫu mô lấy từ bệnh nhân ung thư tuyến tụy có tập thể dục chứa số lượng tế bào miễn dịch cao hơn so với nhóm đối chứng không tập thể dục.
Với cơ chế này, nhóm nghiên cứu thận trọng nhận định tập thể dục có thể là phương pháp bổ trợ việc điều trị ung thư ở người.
Cơ chế tự phá vỡ DNA để chống lại bức xạ của tế bào ung thư
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Science vào tháng 4, các nhà khoa học xác định cách khối u sống sót sau xạ trị và cách chúng ngăn chặn tổn thương do bức xạ DNA lan sang các thế hệ tế bào mới.
Để làm được điều này, khối u tự gây tổn thương cho DNA của chính chúng để chặn đứng quá trình nguyên phân. Sự đứt gãy DNA này đóng vai trò mồi nhử. Trong khi tế bào bận rộn sửa chữa những vấn đề chúng tự tạo nên, khối u có nhiều thời gian hơn để tự bảo vệ trước thiệt hại do bức xạ gây ra và tiếp tục nhân lên.
Hiểu được cơ chế này, các nhà khoa học kỳ vọng trong tương lai, giới y khoa có thể phát triển những phương pháp ức chế quá trình tự phá vỡ DNA của khối u, khiến việc xạ trị trở nên hiệu quả, giúp tiêu diệt triệt để các khối u ác tính.
Tế bào ung thư di căn sống sót bằng cách đi qua các mạch máu hẹp
Khi ung thư di căn, các tế bào tách khỏi khối u ác tính ban đầu, xâm nhập hệ thống mạch máu, bạch huyết và các mô xung quanh. Khối u phát triển, tế bào ung thư tách ra thành một hoặc nhiều mảnh, di chuyển đến vị trí mới cách xa khối u cũ, tạo thành một ổ mới, gọi là ổ di căn hay vị trí di căn.
Thông thường, nếu một tế bào bị chèn ép quá mạnh, nó sẽ chết. Nhưng đối với tế bào ung thư di căn, quá trình chen lấn qua các mạch máu hẹp của hệ tuần hoàn có thể kích hoạt đột biến giúp chúng ngăn chặn khả năng tiêu biến, đồng thời trốn tránh hệ miễn dịch.
Trong nghiên cứu trên tạp chí eLife vào tháng 3, khi nhân tế bào vỡ ra trong quá trình chui vào mạch máu hẹp, chúng dễ dàng đột biến hơn. Thay đổi diễn ra cùng lúc khiến ung thư sống sót qua quá trình di căn, trở nên nguy hiểm hơn đối với các tế bào.
Phát hiện này giúp các nhà khoa học xem xét tác động trực tiếp của các kích thích cơ học lên tế bào ung thư, từ đó phát triển những chiến lược điều trị tốt hơn.
Tế bào ung thư di chuyển nhanh trong môi trường chất lỏng nhớt
Trong năm 2022, nhiều nhà nghiên cứu nỗ lực tìm hiểu cách tế bào ung thư tương tác với môi trường xung quanh. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature vào tháng 11 cho thấy các tế bào ung thư di căn di chuyển nhanh hơn trong môi trường chất lỏng có độ nhớt cao.
Các nhà khoa học phát hiện tế bào ung thư có thể tái cấu trúc actin nhằm di chuyển thuận lợi qua môi trường đậm đặc, lấy nước từ phía trước và đẩy ra phía sau như một động cơ phản lực.
Theo giáo sư Miguel Valverde, Đại học Pompeu Fabra ở Tây Ban Nha, phát hiện này có thể đặt tiền đề điều trị khối u di căn.
Thục Linh (Theo Scientist)