Ngày nay, cứ nói đến đám cưới là người ta nghĩ ngay đến câu chuyện phong bì, nhạc nhẽo, hát hò, nhậu nhẹt, bày vẽ, lãng phí thức ăn... Có người cho rằng đó là phong tục truyền thống của người Việt nên không thể chê trách. Tuy nhiên, cá nhân tôi lại không đồng ý với quan điểm này.
Tôi còn nhớ hồi những năm 92-93, ở làng quê tôi, mỗi khi có đám cưới, người ta chỉ mời những người họ hàng gần nhất, hàng xóm cũng chỉ mời đại diện một vài ông, bà, anh, chị cụ thể nào đó cùng đến dự bữa cơm thân mật với gia đình. Còn những người cùng xóm nhưng quan hệ xa, chỉ gọi là mời đến dự lễ thôi chứ không mời ăn. Cho nên, dù đám cưới cỗ bàn không nhiều, nhưng khi tổ chức vẫn rất đông, người đến dự đứng kín cả trong lẫn ngoài luôn. Những hình ảnh đó khiến người ta cảm thấy rất ấm cúng, nghĩa tình.
Còn giờ đây, khi xã hội đã phát triển, con người ta lại nghĩ khác về cái đám cưới. Gia chủ tổ chức hoành tráng hơn, thiệp mời được phát đi khắp nơi theo kiểu đại trà, lên tới hàng trăm, hàng nghìn khách, bất kể quan hệ thân thiết hay xa xôi, ruột thịt hay xã giao. Thế nên, đến dự đám cưới bây giờ, có đến một nửa khách tham dự theo kiểu đến góp phong bì rồi ăn cỗ xong cho đủ thủ tục, xong nghĩa vụ là về.
Một vấn đề nữa trong đám cưới hiện đại, đó là bày vẽ, hoang phí. Người ta bây giờ trọng hình thức, mâm cao cỗ đầy cho đẹp mặt, để rồi sau đó người ăn không hết, thức ăn thừa mứa phải đổ bỏ, vô cùng lãng phí.
Như ở quê tôi, khi tổ chức đám cưới, người bắt buộc phải có một đĩa gà luộc - đó như là một truyền thống và luật bất thành văn. Tôi cũng hỏi nhiều người rằng "sao cứ phải là gà luộc?". Họ bảo rằng "không có không được, người ta sẽ chê cỗ bé".
>> Tiền mừng cưới theo 'giá thị trường'
Người ta cũng không dám chế biến thành món khác dễ ăn hơn như gà rán, gà rút xương... Trong khi đó, thực tế đi dự các đám cưới hiện nay, tôi thấy rất ít người ăn gà luộc và món này thường để thừa rất nhiều, vô cùng lãng phí. Lý giải về chuyện này, có vài nguyên nhân sau:
Thứ nhất, thịt gà hiện nay quá phổ biến, người ta ăn hàng ngày rồi nên đến đám cưới cũng không muốn ăn nữa. Thứ hai, do nhiều nơi làm cỗ là gà công nghiệp, không ngon, nên người ta không ăn. Thứ ba, do gà thường được luộc trước khá lâu, thậm chí từ hôm trước, nên để nguội quá cũng không còn ngon nữa. Thứ tư, do chặt quá to (người ta không dám chặt thịt gà nhỏ vì sợ bị chê) nên khiến khách ngại gắp. Thêm vào đó, nơi đông người, ai cũng ngại dùng tay. Ở chỗ tôi, dù gà rất ngon, nhưng cũng rất ít người ăn. Sau tất cả, chỉ vì hai chữ "truyền thống" mà người ta không dám bỏ, ngại thay đổi, và chấp nhận những thứ vốn không còn phù hợp.
Cuối cùng là câu chuyện hát hò ở đám cưới gây ồn ào. Có lẽ các đám cưới ở miền Nam diễn ra thực trạng này nhiều hơn. Ở quê tôi, trong lúc ăn uống, người ta sẽ không hát hò, cùng lắm chỉ mở một chút nhạc nhẹ nhàng cho có không khí vui vẻ mà thôi. Chỉ khi ăn xong, đến buổi tối, mọi người mới hát một chút. Tất nhiên, cũng không thể cấm tiệt chuyện này vì chẳng lẽ đến đám cưới lại chỉ ngồi tâm sự với nhau sao? Có điều là không làm quá, hát xuyên ngày đêm; mở nhạc quá to gây mất trật tự, mà người ta cũng chẳng nói chuyện được với nhau. Theo tôi, vừa đủ là hợp lý, vừa không đánh mất không khí vui tươi của ngày cưới, vừa đảm bảo không làm ảnh hưởng đến người khác.
Phong tục truyền thống là thứ cần gìn giữ, nhưng khi đất nước đã bước vào thời kỳ hội nhập văn minh, những hủ tục không còn phù hợp cần phải được mạnh dạn loại bỏ, thay thế.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.