Câu chuyện đám cưới không dùng bia rượu tại Bình Phước đang là đề tài gây tranh luận trái chiều trên VnExpress.
Nhiều ý kiến đồng tình với hình thức tổ chức đám cưới không bia rượu, góp phần thay đổi quan điểm về sử dụng rượu bia ở Việt Nam:
Chắc chắn sẽ có rất nhiều người nói đám cưới không có rượu bia thì mất vui. Vậy xin hỏi đám cưới có bao nhiêu người uống bia rượu? Phụ nữ thì không nói. Giả sử đám cưới một nửa là đàn ông, vậy trong số đó bao nhiêu người thích uống bia rượu? Như mình đi đám thì thấy số uống bia rượu chỉ 60% và trong số đó thì rất nhiều người cơ bản là không thể từ chối nên uống một chút bia hoặc chút rượu gọi là nâng lên cho có. Như vậy chung quy lại số người đi đám mà cần và muốn uống bia rượu chỉ 30% đổ lại thôi. Vậy thì đám cưới có phải mất vui nếu không có phần thiểu số này không? Chính lối mòn suy nghĩ đám cưới phải uống bia rượu nên chúng ta mới là nước tiêu thụ bia rượu đứng top thế giới, mới có nhiều vụ tai nạn do bia rượu xảy ra.
Rất ủng hộ việc tổ chức đám cưới không rượu bia. Đây là một nét đẹp, một sự tiến bộ của giới trẻ trong thời đại ngày nay. Không rượu bia đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người đi đám khi tham gia giao thông. Không rượu bia tránh được một số người quá chén cãi vã, xô xát làm mất vui bữa tiệc.
Phải có những người trẻ thay đổi. Tiếp xúc rất nhiều người nhiều buổi nhậu từ bình dân đến trí thức, nhưng tôi chỉ đếm chưa hết đầu ngón tay số người coi ly bia là tuyệt vời khi làm một cốc giải khát, ly rượu ấm áp buổi vui. Thay vào đó, chỉ thấy ép nhau bằng đủ kiểu, đủ lời lẽ, văn hóa...
Mình ủng hộ việc này. Hiện nay nền văn hóa bia rượu đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người Việt Nam. Làm như thế này là một giải pháp quá tốt để giảm các tác hại do bia rượu và mang lại cuộc sống an toàn hơn.
Mục đích sau cùng là đến để chia vui cùng gia đình hai họ, chúc mừng cho đôi trai gái yên bề gia thất. Còn nếu như có ai đó đặt nặng chai bia, coi trọng miếng ăn lên hơn cả cái tình người thì không nên tham dự.
Mấy chục năm trước, đám cưới mình cũng đâu có giọt bia nào đâu, chỉ toàn là bánh trái, trà, nước ngọt... mà vẫn vui vẻ, sống hạnh phúc đến nay đã 40 năm.
Tuy nhiên, số khác lại cho rằng, rượu bia là một nét văn hóa, chỉ có người sử dụng rượu bia mất kiểm soát mới gây ra những sự việc đáng tiếc:
Rượu bia có lỗi gì? Người uống rượu bia có lỗi gì? Lỗi ở "giới hạn", khi con người không biết giới hạn thì không chỉ rượu bia mà tất cả đều có thế trở nên tai họa. Đám cưới con mình sẽ vẫn đãi bia nhưng trước khi nhập tiệc mình sẽ nói: "Để bảo đảm an toàn cho quý khách trên đường về, gia đình chúng tôi sẽ tiếp bia giới hạn mỗi vị không quá 3 lon (chai). Xin quý vị thông cảm".
Đám cưới mình cũng không bia rượu và các ông đã tự ra quán xách thùng bia vô uống. Việc không bia rượu chỉ thành công tốt đẹp với những người tôn trọng chủ tiệc thôi.
Nếu không rượu bia thì không nên đãi tiệc cưới, chỉ cần gửi thiệp báo hỷ mà thôi. Đã đãi tiệc cưới thì phải có rượu bia, nhưng có định mức. Uống rượu bia có liều lượng, đúng cách vừa đảm bảo tốt cho sức khỏe và vừa mang lại không khí trang trọng, vui vẻ cho bữa tiệc.
Rượu bia nước ngoài có khác gì đâu? Đám cưới bạn trẻ này hay, nhưng không phù hợp cho tất cả. Ở quê mới hay uống bia rượu nhiều ở đám cưới. Ra nhà hàng ở TP HCM không thấy ai uống nát bét cả.
"Khách đến nhà, không trà thì rượu". Không phải vô cớ mà ông cha ta "có tiệc là phải có rượu". Rượu làm con người ta dễ gần, dễ nói chuyện, dễ hiểu nhau hơn. Do một số thành phần không biết dùng rượu, lạm dụng rượu rồi gây rối. Chung quy tại người, không phải tại rượu!
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.