Đám cưới xưa nay vốn được xem như dấu mốc không thể thiếu, là điều tất yếu phải xảy ra với trong cuộc đời mỗi người. Ngay cả những người nghèo nhất cũng muốn có một đám cưới cho riêng mình. Tôi cũng từng là một cậu trai trẻ có một tình yêu đẹp và muốn có một đám cưới tròn trịa, lãng mạn như cổ tích. Nhưng thực tế hoàn toàn khác xa với những gì tôi tưởng tượng. Ngày nay, cưới vợ đã trở thành một quá trình chuẩn bị siêu lâu, với số tiền khổng lồ phải bỏ ra để tổ chức.
Nhưng bao nhiêu tiền mới là đủ để cưới vợ? Tôi xin kể lại câu chuyện chuẩn bị tổ chức đám cưới của tôi cách đây không lâu như một sự tham khảo dành cho những bạn trẻ đang có ý định lập gia đình:
Công đoạn đầu tiên trong việc tổ chức một đám cưới bình thường đương nhiên là chụp ảnh cưới. Để hoàn thành một album ảnh lưu trữ và hình to để ở sảnh bữa tiệc, tôi phải bỏ ra không dưới 15 triệu đồng (bao gồm cả tiền chụp ảnh, trang phục, makeup, di chuyển...).
Tiếp đến là phần chuẩn bị cho ngày tổ chức đám cưới ngốn của tôi thêm 15 triệu đồng bao gồm thuê: áo dài, váy cưới, veston, makeup, hoa cầm tay,... và tiền quay phim, chụp ảnh trong buổi tiệc.
Hoàn tất các công việc chuẩn bị sơ bộ trên, tôi bắt đầu bước vào những công đoạn chính của một đám cưới: 7 triệu đồng để sắm nhẫn đôi cho hai vợ chồng và trên dưới 10 triệu đồng mua các nữ trang khác cho người vợ sắp cưới. Tổng "thiệt hại" ngót nghét cũng 20 triệu đồng.
>> Khách tự đi mua bia rượu dù đám cưới tôi chỉ mời nước ngọt
Xong phần trang sức là bắt đầu vào bước vào những ngày tổ chức dài bất tận. Lễ ăn hỏi khiến tôi phải bỏ ra hàng tá khoản tiền từ lớn tới nhỏ, bao gồm: tiền mâm quả (10 triệu), in thiệp cưới (2 triệu), make up cho người nhà (2 triệu), thuê xe hoa, xe rước dâu (10 triệu), trang trí xe (3 triệu), thuê trang phục cho bố mẹ (2 triệu), tiền nạp tài (30 triệu), bánh kẹo chè thuốc (3 triệu), dựng phông rạp (7 triệu)... Tính sơ sơ cũng khoảng 70 triệu đồng.
Đó là còn chưa tính số tiền lớn tôi phải bỏ ra để mua sắm, tân trang lại toàn bộ phòng tân hôn của mình. Từ giường, tủ, bàn trang điểm, tranh, đèn trang trí, rèm cửa.... tất cả đều được tôi sắm mới toàn bộ, tốn không dưới 50 triệu đồng.
Và cuối cùng là khoản tiền lớn nhất cho một đám cưới: tổ chức tiệc. 100 triệu đồng là số tiền tôi dành để đặt tiệc cưới tại một nhà hàng phổ thông cho khoảng 250 khách. Phần còn lại vào khoảng 30 triệu đồng, tôi dùng để chi cho những thứ nhỏ lẻ phát sinh trong suốt cả tháng trời tổ chức đám cưới.
Đêm tân hôn có lẽ là khoảng thời gian đẹp nhất trong cả hành trình về chung một nhà của vợ chồng tôi. Không có giây phút lãng mạn nào như trong các bộ phim truyền hình. Chúng tôi đơn giản là được thở phào nhẹ nhõm sau một thời gian dài mệt mỏi cả về thể xác, tinh thần lẫn kinh tế. Hòm tiền mừng cưới vẫn nằm yên trên bàn, vợ chồng tôi chưa vội kiểm đếm vì biết số tiền nhận được chẳng thấm vào đâu so với khoản chi khồng lồ đã bỏ ra (bằng cả năm tiền lương cày cuốc của hai đứa, vợ chồng tôi đều là nhân viên văn phòng bình thường).
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Một tài xế vi phạm, cả ngã tư hỗn loạn
>> Tôi bị mắng vì cản đường đám đông lấn làn
>> Tôi lạc lõng giữa đám đông kẹt xe trên đường Hà Nội
Câu chuyện tôi kể ở đây tất nhiên không nhằm mục đích dọa ai hay khuyên các bạn trẻ đừng làm đám cưới bởi hành phúc là đích đến của tất cả mọi người. Chỉ có điều, để hạnh phúc ấy thật trọn vẹn, bạn sẽ không phải chỉ đánh đổi bằng thời gian, công sức mà còn cả tiền bạc. Nếu đang có 100 triệu trong tay và nghĩ đến chuyện làm đám cưới, tôi khuyên các bạn hãy nằm xuống và tiếp tục giấc mơ của mình. Và rồi khi thức dậy, hãy lao động cật lực để tích góp thêm tiền. Không có 300 triệu đồng trong tay, có lẽ bạn đừng vội tính chuyện cưới xin.
>> Bạn cần bao nhiêu tiền để tổ chức một đám cưới? Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.