Đọc bài viết "Tiền mừng cưới theo 'giá thị trường'", tôi lại muốn chia sẻ về câu chuyện của mình. Năm 2013, tôi làm đám cưới. Vì thiếu tiền nên vợ chồng tôi bán chiếc xe máy đang sử dụng - là chiếc xe mà vợ mua cho tôi được khoảng một năm trước để đi làm. Trước đó, tôi vốn có xe, nhưng sau một cuộc làm ăn thua lỗ đầu đời, tôi đã phải bán nó. Khi ấy, chúng tôi nghĩ bụng, đằng nào sau cưới cũng sẽ chỉ sử dụng chung một xe, nên bán bớt một chiếc lấy tiền làm đám cưới.
Tôi bán xe cho một thanh niên người Anh. Anh ta hỏi: "Lý do gì mà bán xe?", tôi bảo: "Để có tiền làm đám cưới". Nghe vậy, anh ta cười to: "Thế lúc nào cưới thì bảo để tôi cho tiền vào hòm". Chuyện đi ăn đám cưới rồi cho tiền vào hòm với anh bạn người Anh này có lẽ là việc rất lạ lẫm. Tôi cũng dám chắc rằng không nhiều người ở đất nước của anh ta phải bán chiếc xe đi làm để có thêm tiền tổ chức đám cưới như tôi.
Theo tôi biết, một đám cưới "tử tế" ở các nước phát triển cũng sẽ tiêu tốn của gia chủ khoảng 20.000-30.000 USD - không phải là số tiền nhỏ với các cặp đôi bên đó. Thế nhưng, điều khác biệt là họ "có quyền" tổ chức một đám cưới hoành tráng hoặc đơn giản, tùy thuộc vào mong muốn, khả năng kinh tế, địa vị của mỗi người, mà không phải lo lắng nhiều đến đánh giá của những người khác.
Vậy tại sao ở nước ta lại rất khó để tổ chức một đám cưới theo ý muốn như vậy? Tôi cho rằng một đám cưới ở bất cứ nền văn hóa nào cũng đều không có quá nhiều khác biệt về ý nghĩa: kỷ niệm ngày vui; ra mắt gia đình, bạn bè, người thân; và thề ước bên nhau trọn đời. Điều làm nên khác biệt là phạm vi khách mời. Văn hóa chúng ta đặt mối quan hệ gia đình, họ tộc lên rất cao. Có thể nói, một gia đình ở Việt Nam không thể sống tách biệt với họ tộc, làng xóm và bạn bè, đồng nghiệp... Chính vì sự gắn kết rất rộng này mà việc tổ chức một đám cưới đơn giản, ít khách mời, ít tốn kém trở nên rất khó khả thi với phần lớn người Việt.
Tôi nghĩ rằng, văn hóa Việt Nam hay phương Tây đều có những phong tục riêng và đôi khi đối nghịch nhau, nhưng điều quan trọng là nó được đình hình từ lâu đời, và không dễ gì thay đổi. Tôi không muốn đi quá sâu, chỉ muốn nói đến thực tế đó, để thấy rằng rất khó để các cặp đôi trẻ bây giờ có thể tổ chức một đám cưới theo ý muốn cá nhân của mình. Cũng từ đó, việc "bỏ tiền mừng cưới" ở ta giống như một khoản hỗ trợ cho gia chủ có thể hoàn thành nghĩa vụ tổ chức một đám cưới đầy đủ nghi lễ hoặc hỗ trợ phần nào cuộc sống sau đám cưới cho cô dâu, chú rể.
>> Đám cưới không nhận phong bì
Trở lại với câu chuyện của tôi, sau khi kết thúc đám cưới, mẹ gửi lại chút ít tiền hỗ trợ chúng tôi - đã gồm cả khoản "tiền lãi" đám cưới sau khi trừ chi phí tổ chức. Số tiền đó đủ cho tôi trả tiền thuê nhà ba tháng đầu, và mua ít đồ dùng cơ bản... Nhưng nó vẫn không đủ để tôi chuộc lại chiếc xe máy đã bán với giá chưa đầy năm triệu đồng trước đó.
Với những gia đình bình thường, "tiền lãi" đám cưới thường không nhiều, "hòa vốn" là may, "lỗ" cũng là chuyện bình thường. Tôi biết, thực tế, có những đám cưới mà gia đình cố gắng làm cỗ thật to, mời thật đông khách, cỗ bàn thật hoành tráng đẻ đẹp mặt, nhưng lại vượt quá khả năng của bản thân, khiến đám cưới trở thành gánh nặng. Tôi cũng thấy có những khoản mừng cưới lớn hơn bình thường khi gia chủ là những người có địa vị.
Bản thân tôi chỉ tham dự những đám cưới mà mình muốn đi và sẵn lòng "bỏ tiền vào hòm" mà không phải suy nghĩ. Tôi thậm chí cũng có khi "nhắc khéo" đồng nghiệp đã nghỉ việc "hãy nhớ mời tôi khi cưới" bởi có nhiều người ngại mời khi không còn làm chung, dù thân thiết. Với tôi, mừng cưới hay không, tiền nhiều hay ít, tùy thuộc vào tấm lòng của mỗi người đến gia chủ, nhưng ít nhất cũng nên tham khảo theo "giá thị trường", vì xét cho cùng, mọi chi phí cỗ bàn cũng tăng theo thời thế. Chẳng ai thoải mái khi đi ăn cưới mà mừng số tiền để gia chủ bị lỗ cả.
Tục lệ nào sinh ra cũng có lý do của nó và cũng có những cái lệ đã không còn phù hợp, dù vẫn hiện hữu. Quan trọng là cách ứng xử, cách sống của chúng ta thế nào mà thôi. Tiền mừng cưới có thể là món nợ, có thể là "cơm bụi giá cao" với người này, nhưng cũng có thể là khoản hỗ trợ, là vật chất thiết thực để gửi gắm tình cảm với những người mà chúng ta quan tâm. Ai rồi cũng phải trải qua hoàn cảnh đó mà, phải không?
Khoản tiền đám cưới gần nhất của tôi là gửi đến một người em đồng nghiệp cũ, gửi bằng mã QR code in trên thiệp mời. Sau khi gửi xong, tôi nhắn tin cho em với nội dung: "Đỡ được cho anh hẳn mấy trăm đồng mua phong bì". Thế đó, tôi thực sự không thấy phiền khi bỏ tiền mừng cưới đồng nghiệp thân thiết dù không "tính nợ" được cho khoản đó. Tôi quả thực không hiểu tại sao có nhiều người thấy khó chịu ngay cả khi họ đang "trả nợ" cho khoản tiền mừng mình đã nhận trước đó.
Xét cho cùng, ngày cưới là ngày vui, hầu hết các cặp vợ chồng mới đều sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống sau ngày cưới, thế nên chúng ta cũng đừng nên quá tính toán những chuyện tiền nong như vậy.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.