"Vài hôm trước, tôi có đi dự một đám cưới của hai người bạn thân tổ chức ở City Hall (tòa thị chính). Vì Covid-19 nên họ chỉ giới hạn mời sáu khách. Sau khi tổ chức hôn lễ, họ về nhà cắt bánh cưới, tới tối thì ăn ở nhà hàng. Vậy là xong thủ tục cho một đám cưới, tổng chi phí (không tính váy áo) cũng chỉ dưới 1.000 USD (khoảng gần 23 triệu đồng), dù gia đình hai bên rất có điều kiện.
Khoảnh khắc họ trao đổi lời thề nguyện, tôi thấy rất cảm động. Đám cưới của họ đơn sơ, giản dị mà hôn nhân đầy tình yêu là đủ, không cần phải chi quá nhiều tiền làm gì. Tôi luôn có thói quen, với những ai ở xa và không thân lắm, tôi sẽ không sắp xếp đi dự đám cưới, chỉ mua quà rồi ship qua, bao giờ có dịp thì mới đi thăm sau".
Đó là chia sẻ của độc giả Cá Mập Bay xung quanh câu chuyện "Người Mỹ sợ mang nợ vì lời mời cưới". Một khảo sát của thị trường cho vay trực tuyến LendingTree cho thấy 1/3 khách tham dự tiệc cưới tại Mỹ vay vợ. Chi phí tốn kém khiến cả người làm đám cưới và khách mời tham dự cũng cảm thấy e ngại tổ chức.
Liên hệ trực tiếp với chi phí tổ chức đám cưới ở Việt Nam, bạn đọc Tavezhp83 cho rằng: "Tôi tin là 95% người đến dự đám cưới (trong đó có cả người nhà) là đến vì trách nhiệm hoặc do được mời nên phải đến hoặc trước đã mời người ta nên giờ đến lượt người ta mời mình, chứ chẳng có mấy ai đến thật sự với danh nghĩa để mừng hạnh phúc cho cô dâu, chú rể. Ngược lại, phía cô dâu, chú rể, tính ra cộng các chi phí lại thì số tiền mừng có lẽ cũng cơ bản là hòa vốn (trừ khi có đột biến). Vậy tựu chung lại, người mời cũng chẳng lợi lộc gì và còn mệt lử, người được mời cũng thấy áp lực, mất thời gian, cớ sao cứ cố duy trì kiểu đám cưới như thế này làm gì?".
>> Đám cưới không nhận phong bì
Nói về câu chuyện tổ chức đám cưới thế nào để vừa tiết kiệm, vừa đỡ mệt mỏi, độc giả Don.mt nhận định: "Người Mỹ hay các nước Tây phương thực thụ, thường không hề nề hà với việc tham dự một tiệc mời hoặc tiệc cưới. Bởi người được mời là một vinh dự, chứ không phải là sĩ diện. Ngay cả những người có liên hệ họ hàng, thân thuộc cũng chưa chắc đã được mời, chứ đừng nói là yêu cầu phải đi dự như ở ta.
Hơn nữa, những người được mời sẽ nhận được thiệp mời từ hai, ba tháng trước đó. Những người được đánh giá là quan trọng với chủ lễ, thậm chí còn được lên tiếng mời trước cả năm. Dĩ nhiên, là luôn kèm giới hạn tối thiểu một tháng trước ngày tiệc lễ phải trả lời có đến tham dự hay không để gia chủ tiện việc sắp xếp tổ chức. Không hề có sự vị nể trong chuyện này.
Ngày vui của họ hoàn do họ quyết định, cha mẹ cũng chỉ góp ý kiến. Những khách mời, hoàn toàn đã được lọc, lựa để tới chia sẻ với ngày vui của chủ mời. Và họ cũng không hề để ý tới phong bì hoặc các món quà sẽ nhận được. Nói chung, chia vui và những lời cầu chúc là chính. Vì khoản tiền chi phí cho ngày vui của họ đã nằm trong ngân sách tính toán từ trước khi tổ chức buổi tiệc. Họ cũng ko hề chờ đợi một sự đáp trả hoặc lời lỗ vì bữa tiệc của mình.
Người được mời dĩ nhiên không phải lo lắng đến những sự đáp trả, nhưng để tỏ lòng tôn trọng chủ lễ và có lẽ đúng hơn là tôn trọng bản thân, việc họ chi trả cho quần áo, di chuyển, khách sạn... cũng là chuyện bình thường. Có lẽ chi phí cho việc tham dự các buổi tiệc thế này tăng cao là do nhu cầu đòi hỏi của mỗi cá nhân chứ không liên quan gì tới bữa tiệc. Nói chung, tiệc tùng hoặc cưới hỏi của người Âu - Mỹ rất đơn giản chứ không cầu kỳ như ở ta".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.