Bỏ tiền mừng cưới bao nhiêu là đủ, từ lâu đã trở thành vấn đề đau đầu đối với nhiều người. Không ai muốn bỏ quá ít để rồi thất thố với gia chủ, nhưng cũng chẳng ai muốn tự tạo gánh nặng tài chính cho bản thân. Cuối năm luôn là khoảng thời gian nhạy cảm khi mà có vô vàn việc cần chi tiêu đến tiền, từ tiền tàu xe về quê đến mua sắm Tết. Trong một năm kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh kéo dài, nguy cơ không có thưởng Tết rất lớn, túi tiền của nhiều người lại bị đặt vào tình trạng báo động.
Ấy vậy mà vẫn có một cơn ác mộng luôn thường trực vào dịp này, đe dọa trực tiếp đến tài chính những tháng cuối năm, đó là các đám cưới hỏi. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, tôi nhận liền ba lời mời cưới diễn ra vào những ngày cuối năm. Trong khi đó, dịch bệnh kéo dài, bản thân cũng chỉ vừa được đi làm trở lại không lâu, tiền tích lũy chẳng còn mấy, lương sụt giảm, thưởng chẳng có, tôi thực sự hoang mang không biết xoay đâu ra tiền mừng?
Năm nay có điều khác biệt, đó là vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thành phố yêu cầu hạn chế tập trung đông người, các buổi tiệc cưới gần như không thể tổ chức đông như trước kia. Nhưng như một thủ tục không thể thiếu, các gia đình tổ chức cưới hỏi vẫn phát thiệp như một hình thức thông báo tới mọi người, dù không tổ chức ăn uống linh đình. Mà sống ở Việt Nam, đã nhận được thiệp cưới, không đi ăn cũng phải gửi tiền mừng mới phải phép, nếu không sẽ bị đánh giá.
Có một quy định gần như bất thành văn ở thành phố khi nhận được thiệp mời cưới, đó là đi ăn 500.000 đồng, không đi cũng gửi 300.000 đồng, họ hàng hoặc bạn bè thân thiết thì còn cao hơn (lên tới cả triệu đồng). Tất nhiên, chẳng ai quy định mức giá đó, nhưng đó là cách người ta vẫn hay chia tiền cho mâm cỗ cưới đặt nhà hàng của gia chủ (khoảng 3-5 triệu đồng cho mâm 10 người). Tiền mừng cưới vì thế không đơn thuần chỉ là chúc phúc cho cô dâu, chú rể mà giống như bạn trả tiền cho một suất "cơm bụi giá cao".
>> Đám cưới không nhận phong bì
Với mức "giá thị trường" như thế, tôi chắc chắn mất ít nhất một triệu đồng cho việc mừng cưới tháng này. Nói vui, cũng may vì Covid-19 nên tôi không phải đi ăn trực tiếp, tiết kiệm được 200.000 đồng mỗi đám, nhưng đây vẫn là số số tiền không dễ gì xoay xở với tôi lúc này. Đây vốn dĩ là một vấn đề hết sức tế nhị, đôi khi người ta đánh giá cả văn hóa ứng xử của một người thông qua số tiền mừng cưới của bạn. Mừng nhiều thì đẹp mặt nhưng lại rước khổ vào thân, còn mừng ít thì lại bị xem là "không biết sống". Đó là thực tế ở xã hội bây giờ.
Cá nhân tôi không phải là người so đo tính toán từng đồng với bạn bè, người thân. Từ sâu trong tâm khảm, tôi luôn trân trọng những người nhớ đến và mời mình trong ngày trọng đại của họ (dù đôi khi cũng chỉ là xã giao). Thực tế, mừng cưới cũng là nét văn hóa thú vị của người Á Đông, như một cách để chúc phúc cùng gia chủ.
Nhưng điều đáng nói là theo thời gian, việc mừng cưới dần trở nên thương mại hóa. Người ta bây giờ bỏ phong bì đám cưới không phải vì tình cảm tự thân, tùy tâm, mà là nhìn theo người khác. Dần dần, văn hóa ấy trở thành một thủ tục, nơi người ta vẫn gọi vui là "trả nợ" (tôi mừng anh bao nhiêu, sau này anh sẽ mừng tôi lại như thế), giống như một màn trao đổi ngang giá.
Tôi vẫn hằng mơ mộng rằng một ngày nào đó, khi nhận được thiệp mời cưới của một người bạn, tôi có thể vui vẻ, thành tâm chúc mừng họ một cách vô tư, mang một món quà thật ý nghĩa đến dự ngày vui của bạn, thay vì lăm lăm tấm phong bì vô cảm bỏ vào hòm mừng như một thủ tục. Nhưng có lẽ điều đó sẽ chỉ xảy ra ở các nước phương Tây với một nền văn hóa khác biệt. Chứ ở ta, chắc tôi vẫn sẽ phải đau đầu nghĩ cách xoay tiền bỏ phong bì và đóng vai một người "biết điều" đi ăn cưới.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.