"Tôi cũng vừa mới tổ chức một tiệc cưới tối giản, chỉ mời khoảng 50 khách. Trong thiệp mời, tôi ghi rõ là không nhận phong bì. Ai mang quà đến thì tôi rất vui vẻ nhận (tôi không màng đến giá trị của món quà), ai không có cũng không sao. Với tôi, việc mọi người đến đám cưới của mình là vui rồi. Tuy nhiên, vẫn có người mang phong bì đến, và đương nhiên là tôi kiên quyết từ chối.
Thực ra, đây không phải đám cưới lần đầu của tôi. Cách đây một năm, bố mẹ đã tổ chức đám cưới cho chúng tôi. Đợt đó chủ yếu là khách của bố mẹ, tổ chức theo kiểu truyền thống, rất đông và dềnh dang. Bố mẹ hỏi tôi sao không mời bạn bè đến dự, hay do tôi sống không tốt? Khi đó tôi chỉ cười trừ. Mãi đến hôm vừa rồi, khi tôi tổ chức đám cưới riêng, bố tôi mới hiểu, ông thừa nhận thấy rất vui vì ngày đó tôi đã không nghe lời bố.
Đám cưới là ngày trọng đại nhất của đời người, nhưng tôi thấy ngày nay, đám cưới ngày càng bị biến tướng. Đó không còn là ngày vui của hai vợ chồng mà là ngày thể hiện của các bậc phụ huynh. Tôi cũng hiểu là cha mẹ nào cũng thấy tự hào, khi thấy con cái mình trưởng thành, nên thường lấy ngày cưới của con ra để làm dịp để 'nở mày nở mặt' với họ hàng, làng xóm.
Tôi đã bỏ ra 60 triệu đồng để tổ chức đám cưới riêng này. Dù đây là một con số không hề nhỏ, nhưng đổi lại, tôi đã có một đám cưới đúng nghĩa của đời mình. Tiền có thể kiếm lại, nhưng ngày cưới mỗi người chỉ có một. Hãy trân trọng những giây phút thiêng liêng ấy".
Đó là chia sẻ của độc giả Sonnk sau bài viết "Mời cưới 50 khách, lỗ 25 triệu đồng". Thực tế, chuyện tổ chức đám cưới hoành tráng, mời hàng trăm khách (thậm chí trong số đó có những người mà cô dâu, chú rể cũng chẳng biết là ai), từ lâu đã không còn lạ lẫm với người Việt. Có người nói vui rằng, cưới con nhưng khách của bố mẹ là chủ yếu. Những "đám cưới công nghiệp" như vậy khiến ý nghĩa của ngày cưới mất dần.
>> Tính toán thiệt hơn trong phong bì mừng cưới
Chỉ ra những mặt trái của đám cưới truyền thống ở Việt Nam, bạn đọc Terran Rock cho rằng: "Với truyền thống văn hóa Việt Nam, đa số các buổi tiệc cưới không phải là tổ chức cho cô dâu - chú rể, mà là dịp để bố mẹ hai bên thể hiện thì đúng hơn. Nhiều người muốn đám cưới của con mình phải như thế này, thế kia, phải diễn ra chính xác như kế hoạch, không được mời thiếu người nào...
Em gái tôi cũng đã phải tổ chức đám cưới đến hai lần. Lần một làm theo kiểu truyền thống chỉ để chiều lòng cha mẹ. Và tới lần thứ hai sau đó vài ngày, em mới được tổ chức một đám cưới của riêng mình. Cha mẹ nào cũng muốn được hãnh diện trong ngày cưới của con mình. Vì thế, họ thường muốn có đông người tới dự, phải mời tất cả hàng xóm, láng giềng, anh em, bạn bè gần xa, bà con khu phố... không xót một ai. Lâu dần, đám cưới của con càng to thì cha mẹ càng được tiếng".
Không ủng hộ việc tổ chức đám cưới to để làm đẹp mặt cha mẹ, độc giả Nhatletran nhấn mạnh: "Tôi không hiểu người ta mời cưới lấy được để lấy thành tích hay làm gì? Kể cả là họ hàng thì cũng chỉ nên mời người hay đi lại, quan hệ, còn người ở xa, ít gần gũi thì tốt nhất là xin miễn. Bạn bè không thân thiết cũng không nên mời cưới vì dù mời họ cũng cáo bận để trốn tránh, hoặc chỉ gửi phong bì cho đủ thủ tục, vừa mất vui mà ta lại mang tiếng lợi dụng để kiếm chác, gây tổn thương cho cả hai bên (bên mời thì than lỗ, bên bị mời thì bị nói không tôn trọng chủ nhà).
Tôi biết nhiều người đi dự đám cưới nhưng đắn đo đi ăn không biết có được ngồi chung bàn với người lạ hay quen, ngồi mâm với toàn người lạ không quen biết thì khác nào ăn như nhai cơm bụi, rồi mừng tiền cưới bao nhiêu cho vừa...? Đi chung vui với người khác mà cứ lăn tăn những thứ như vậy thì chẳng thà đừng mời nhau, đừng đi nữa cho rồi.
Nói chung, tôi cho rằng, thời nay chỉ nên tổ chức đám cưới gọn nhẹ, trong phạm vi gia đình, thân thiết, như một buổi tiệc sinh nhật là được. Đừng có mời tràn lan như kiểu cho cả làng ăn cỗ, chỉ khiến thêm nặng nề chi phí, chẳng khác gì nộp tiền phạt vạ cho làng rồi mới được quyền đăng ký kết hôn hợp pháp vậy.
Quan điểm của tôi vẫn là bản thân nếu cảm thấy vui và thân thiết, thấy được đủ tôn trọng và quan trọng, thì dù mưa gió bão bùng tôi vẫn quyết đi dự đám cưới người ta cho bằng được và đến đúng giờ, mừng tiền cưới đúng mực. Còn không thì tôi sẽ cáo bận và gửi phong bì, sau này cũng không cần thiết phải mời lại họ để 'đòi nợ' trong những dịp đặc biệt của gia đình mình. Ít người đến tham dự nhưng buổi lễ vẫn diễn ra suôn sẻ, vui vẻ, ấm cúng, còn hơn là đông người rồi xì xào, bàn tán, khen chê, nặng nhẹ đủ kiểu".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.