Khảo sát chuyên sâu năm 2019 của Oxfam cùng Viện Công nhân Công đoàn với lao động ngành may mặc cho kết quả 69% công nhân trả lời tiền lương không đủ trang trải nhu cầu sinh hoạt; 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương trong tháng; 37% luôn trong tình trạng vay nợ từ người quen để bù đắp thiếu hụt chi tiêu trong tháng và 96% không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn nhà hàng. Phần lớn công nhân làm thêm ít nhất một giờ mỗi ngày. Tiền làm thêm giờ chiếm khoảng 11-16% thu nhập.
Chia sẻ xung quanh vấn đề "Làm thêm giờ - cách duy nhất để công nhân tăng thu nhập", nhiều độc giả VnExpress phản đối cách tính lương này:
Đồng quan điểm, độc giả Phuong Duong Tuan cho rằng: "Thay vì nghĩ cách tăng thêm giờ làm, hãy tìm giải pháp làm sao để tăng năng suất lao động. Những ngành nghề giá trị thấp, tốn nhiều người, nhiều sức lao động thì không nên khuyến khích đầu tư. Các nước trên thế giới, để đời sống người dân tốt hơn, họ không khuyến khích những công ty da giày, may mặc... bởi tốn rất nhiều sức thời gian của người lao động. Nên họ chuyển hết đến Việt Nam để thuê nhân công. Đơn hàng giá rẻ rất nhiều, chúng ta không có đủ sức, thời gian để đáp ứng đơn hàng cho cả thế giới được. Hãy nghĩ đến việc làm sao để người lao động Việt Nam có được một công việc chất lượng".
>> 'Lương tối thiểu vùng cho công nhân không còn phù hợp'
Lấy dẫn chứng từ chính những sai lầm của các nước cho phép tăng ca khiến người lao động làm việc quá sức, bạn đọc Hanh Bui nhấn mạnh: "Hãy tăng thu nhập công nhân bằng cách tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị chất xám của sức lao động một cách sáng tạo, chứ không nên tăng thu nhập một cách thủ công bằng cách tăng giờ làm. Người lao động cũng cần thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe thể chất, tinh thần và các vấn đề cá nhân, gia đình, phát triển bản thân sau giờ làm việc, chứ không phải là chỉ sống để duy nhất cho mục đích làm việc.
'Work smarter, not harder' (hãy làm việc một cách thông minh và có giá trị hơn, chứ không phải là làm việc một cách thủ công nặng nhọc hơn để có tiền). Tấm gương khi người lao động làm việc quá sức và bị suy giảm sức khỏe tinh thần ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc rất rõ ràng, hiển nhiên để chúng ta có thể nhìn nhận và đánh giá. Hãy làm sao để nâng cao đời sống người lao động mà họ vẫn cân bằng được cuộc sống giống như cách mà các nước Bắc Âu đã làm mới là hướng đi đúng đắn".
Ủng hộ giảm giờ làm việc, hạn chế tăng ca và tăng lương tối thiểu vùng, đó là giải pháp mà độc giả Taonon đề xuất để cải thiện thu nhập bền vững cho người lao động: "Tôi là chủ doanh nghiệp chế xuất FDI, thu nhập bình quân của công nhân công ty tôi cũng gần gấp đôi mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, nhìn chung là hầu hết công nhân viên chỉ mong được làm thêm. Không chỉ có công nhân mà ngay cả các bạn quản lý (thu nhập phải đóng thuế) cũng muốn được làm tăng ca. Rõ ràng nhu cầu làm thêm giờ là có, thu nhập từ làm thêm là cơ hội cho việc tăng thêm chi tiêu cho bản thân, tích lũy đầu tư, hỗ trợ gia đình. Tuy nhiên, đó không phải là cách làm bền vững.
Trên quan điểm đứng về phía người lao động, tôi kiến nghị ba giải pháp để cơ quan chức năng xem xét:
Thứ nhất, giảm giờ làm chính thức từ 48 giờ/tuần xuống còn 40-44 giờ/tuần để sớm tiệm cận với mức trung bình thế giới.
Thứ hai, cho phép người lao động được tự quyết định việc làm thêm, nhưng một tháng không quá 40-50 giờ.
Thứ ba, tăng mức lương tối thiểu vùng để đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống công nhân".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.