Mới đây, cụ bà 70 tuổi Safina Namukwaya đã sinh một bé trai và một bé gái bằng phương pháp IVF. Ca mổ lấy thai được thực hiện tại Trung tâm Sinh sản Bệnh viện Phụ nữ Quốc tế ở Uganda ngày 29/11. Bà chia sẻ bản thân cảm thấy tuyệt vời sau khi cặp sinh đôi ra đời. Bệnh viện cũng cho biết đây là sự kiện "lịch sử".
Theo Hiệp hội Sinh học Mỹ, IVF thường không được khuyến nghị sử dụng đối với phụ nữ trên 55 tuổi vì những rủi ro liên quan đến thai kỳ. Brian Levine, giám đốc lâm sàng tại phòng khám sinh sản CCRM, New York, Mỹ, cho rằng quyết định thụ tinh nhân tạo cho Namukwaya là "cực kỳ vô trách nhiệm".
Tuy nhiên, Edward Tamale Sali, bác sĩ phụ trách Namukwaya, không tỏ ra ngần ngại trước việc làm này. "Đó là cơ thể của bà ấy, bà ấy có quyền", ông nói.
Hai con của Namukwaya đều sinh non, ra đời khi thai được 31 tuần. Cặp song sinh được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt, sức khỏe sau đó ổn định.
Thực tế, Namukwaya không phải trường hợp hiếm hoi theo đuổi IVF ở độ tuổi cao.
Tháng 9/2019, bà Mangayamma Yaramati, 73 tuổi và chồng Sitarama Rajarao, 82 tuổi chào đón cặp song sinh đầu lòng. Cả hai đều tỏ ra vô cùng hạnh phúc khi con mình ra đời. Một ngày sau đó, ông Rajarao đột qụy do đau tim, điều trị tại bệnh viện Ahalya, miền nam Ấn Độ. Bà Yaramati cũng cần được chăm sóc đặc biệt kể từ khi sinh con.
Cặp vợ chồng kết hôn năm 1962 nhưng gặp khó khăn khi thụ thai. Suốt nhiều thập kỷ, họ tìm kiếm sự trợ giúp y tế lẫn tâm linh, nhưng không có tác dụng. Vì không có con, Yaramati đã bị những người hàng xóm ở bang Andhra Pradesh "nhìn ngó với ánh mắt kỳ thị". Họ coi bà là "người phụ nữ bị nguyền rủa".
Cặp đôi gần như từ bỏ hy vọng trở thành cha mẹ khi đã hơn 70 tuổi. Tuy nhiên, sau khi nghe một người hàng xóm chia sẻ quá trình mang thai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo ở tuổi 55, họ như tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm. Dù đã trải qua tuổi mãn kinh gần 25 năm, bà Yaramati vẫn tham khảo ý kiến của chuyên gia IVF và bắt đầu hành trình điều trị.
Cả hai sử dụng trứng từ người hiến tặng và tinh trùng của ông Rajarao. Phôi trứng sau đó cấy vào cơ thể bà Yaramati. Sau hơn 9 tháng mang thai, cặp song sinh ra đời bằng hình thức sinh mổ.
Tiến sĩ Sanakkayala Umasankar, viện trưởng Viện dưỡng lão Ahalya ở Guntur, nhận định đây là "phép màu y học". Bà Yaramati không gặp bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào, nhưng cần có sự chăm sóc đặc biệt. Bà cũng không thể cho con bú bằng sữa mẹ.
Ca sinh kỳ lạ gặp phải nhiều chỉ trích của giới chuyên môn, song bệnh viện cho biết họ đã tuân thủ mọi quy định liên quan.
Trước đó, vào năm 2016, Daljinder Kaur, 72 tuổi, sống tại Amritsar, cũng sinh một bé trai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Tinh trùng được lấy từ chồng bà là Mohinder Singh Gill, 79 tuổi. Sau hai lần làm IVF thất bại, đến tháng 7/2015, bà đã mang thai thành công.
Theo bác sĩ Anurag Bishnoi, chuyên gia phôi, giám đốc Trung tâm Sinh sản Quốc gia và Ống nghiệm Trẻ em, bà Kaur lần đầu tìm đến phương pháp này vào năm 2013. Vì thể trạng yếu, bà được chỉ định khám bác sĩ tim mạch và làm một loạt xét nghiệm khác, nhằm xác định khả năng thành công.
Tiến sĩ Firuza Parikh, chuyên gia IVF tại Mumbai, nhận định các tiến bộ khoa học đang thúc đẩy nhiều cặp vợ chồng lớn tuổi thụ tinh trong ống nghiệm. Dù vậy, dữ liệu y khoa cho thấy độ tuổi người mẹ càng cao, nguy cơ biến chứng sức khỏe khi mang thai cũng tăng theo. Các biến chứng bao gồm hạ huyết áp, hạ đường huyết, tiền sản giật, có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.
Bà cho rằng chỉ nên điều trị khi chắc chắn người phụ nữ sẽ không gặp bất cứ rủi ro nào về sức khỏe liên quan đến tuổi tác như tiểu đường, tăng huyết áp, viêm khớp. Bà cũng đặt câu hỏi về chất lượng và khả năng nuôi dạy của một cặp vợ chồng quá cao tuổi với trẻ em.
"Liệu họ có đủ thể chất và tinh thần hỗ trợ cho con trong những năm tháng thiếu niên, khi vào đại học? Với tư cách bác sĩ, chúng ta cần tư vấn cho họ những tác động lâu dài của việc trở thành cha mẹ ở độ tuổi cao", bà nói.
Thục Linh (Theo Insider, Hindustan Times, Times of India)