Rậm lông là tình trạng lông phát triển quá mức (nam hóa) ở phụ nữ sau tuổi dậy thì, tại các vị trí như mặt, mép, cằm, lưng, ngực, đùi... Nguyên nhân thường do nồng độ nội tiết tố sinh dục nam (androgen) trong cơ thể tăng cao bất thường.
Bác sĩ CKI Quách Thị Bích Vân, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông thường androgen tiết ra từ tuyến thượng thận và buồng trứng với lượng nhỏ. Androgen đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phân bố lông, tóc trên cơ thể. Nồng độ androgen tăng lên ở tuổi dậy thì, tạo ra các kích thích khác nhau lên các nang lông, tóc ở những vùng cụ thể. Tuy nhiên vì một lý do nào đó, androgen tăng quá mức khiến dư thừa dẫn đến rậm lông.
Theo bác sĩ Vân, rậm lông ảnh hưởng đến 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Rậm lông bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh, phổ biến nhất là hội chứng buồng trứng đa nang. Các dấu hiệu của hội chứng này gồm rậm lông ở tuổi dậy thì, kinh nguyệt không đều, tăng cân, mụn trứng cá, buồng trứng có nhiều nang nhỏ...
Rậm lông do tăng tiết androgen còn có thể do tăng sản thượng thận bẩm sinh hoặc các khối u tiết androgen như u ở tuyến thượng thận, dẫn đến quá trình nam hóa diễn ra nhanh chóng hơn ở vùng sinh dục, bụng.
Rậm lông còn do tác dụng phụ của một số thuốc và các bệnh nội tiết như hội chứng cushing, bệnh cường giáp, bệnh to đầu chi, tăng prolactin máu.
Rậm lông mức độ vừa phải có thể gặp ở phụ nữ mang thai do tiết prolactin và phụ nữ mãn kinh. Thời điểm này cơ thể ngừng sản xuất estrogen ở buồng trứng, trong khi androgen vẫn được sản xuất, gây mất cân bằng hormone. Nhiều trường hợp khác không xác định được nguyên nhân, có thể do sự mẫn cảm của các thụ thể nang lông tuyến bã với nội tiết tố androgen.
Tình trạng này thường ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, khiến nhiều phụ nữ tự ti, khó chọn trang phục. Bác sĩ Vân khuyến cáo phụ nữ rậm lông bất thường ở mép, ngực, lưng, vùng kín, đùi... cần tới bệnh viện có chuyên khoa da liễu hoặc nội tiết để được khám, tìm nguyên nhân, điều trị phù hợp.
Nếu rậm lông ở vùng kẽ, vùng kín, cần chú ý vệ sinh cơ thể kỹ, hạn chế mặc trang phục bó sát để da thoáng, tránh viêm nhiễm nang lông, nấm da, nhọt... Nhiễm trùng ở các vị trí nhạy cảm này khó điều trị hơn và có thể để lại vết thâm, sẹo xấu, xơ hóa.
Nếu rậm lông kèm viêm nang lông tái phát nhiều lần, có hiện tượng lông mọc ngược... hoặc ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý, chất lượng sống, người bệnh có thể triệt lông. Tuy nhiên, triệt lông có hết vĩnh viễn hay không phụ thuộc nhiều yếu tố như nguyên nhân; phương pháp và thiết bị sử dụng; số lần thực hiện, màu sắc của sợi lông... Triệt lông bằng công nghệ xung ánh sáng cường độ cao IPL thì lông sậm màu hiệu quả hơn lông sáng màu.
Anh Thư
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |