Đầu tháng xông xênh, tiêu xài xả láng, nhưng đến cuối tháng lại ăn mỳ tôm qua ngày vì hết tiền, đó là tình cảnh chung của rất nhiều sinh viên tỉnh lẻ khi thuê trọ để theo học trên thành phố. Thậm chí, có trường hợp tiêu hết 20 triệu đồng chỉ trong một tháng đầu nhập học. Không ít sinh viên dù đi ở trọ nhưng mua sắm đủ từ thảm lót chân, dây trang trí phòng, khung tranh, đèn led, đến hộp tăm, hộp đựng gia vị cùng nhiều đồ nấu nướng, giặt giũ.
Nói về chuyện chi tiêu thiếu hợp lý của nhiều bạn trẻ khi đi học xa nhà, độc giả Ola Ola chia sẻ: "Nhiều bạn đi thuê phòng trọ mà mua đồ trang trí phòng như ở nhà vậy, cái gì thích cũng mua về, nào là thú bông, lọ hoa, cây cảnh, tranh ảnh, đèn... Mấy thứ nho nhỏ đó tưởng là rẻ nhưng khi cộng vào cũng vô cùng tốn kém. Đến lúc chuyển chỗ thuê trọ, các bạn lại mất công dọn dẹp, vận chuyển cả đống đồ, vô cùng mệt mỏi.
Tôi sống theo cách đơn giản, nhẹ nhàng, gọn gàng hết mức, cái gì không thật sự cần thì tôi sẽ không mua. Hồi đi học, tôi ở ký túc xá nên chỉ mua một ít đồ cơ bản: hai cái chậu, khăn mặt, kem và bàn chải đánh răng, xà phòng, một cái chiếu nằm, một hòm nhôm để quần áo nhét được dưới gầm giường, chăn gối mang từ nhà, mắc quần áo. Sau khi dọn ra ở trọ cùng hai người bạn, chúng tôi góp tiền mua chung cái nồi cơm điện, chảo nhỏ, bếp gas mini, vài cái bát, vậy là đủ.
Cuộc sống sinh viên thuê trọ hãy cứ xác định là tạm bợ, vì có thể thay đổi, xáo trộn bất cứ khi nào. Mua sắm, đầu tư nhiều chỉ vừa tốn kém, mà đến lúc đổi chỗ cũng rất mệt. Tôi đi phụ các bạn chuyển chỗ trọ nhiều rồi nên biết rất rõ, nhưng không hiểu sao các bạn vẫn mua sắm nhiều đồ đạc thế. Hồi mới vào ký túc xá, tôi cũng hơi ngạc nhiên khi một bạn cùng phòng được bố mẹ thuê cả người lên đo đạc, cắt đệm, mắc màn, trang trí góc giường riêng dù chúng tôi ở giường tầng".
Đồng quan điểm về việc hạn chế mua sắm đồ đạc, tiêu xài hoang phí khi còn là sinh viên đi thuê trọ, bạn đọc Cỏ Tiên Sa lấy dẫn chứng: "Em gái tôi đã ra trường được một năm sau bốn năm học ở Đại học Sư phạm TP HCM và thêm một ngành nữa ở Đại học Sài Gòn. Thời đi học, em trọ tại Quận 6. Ba mẹ tôi đóng hết tiền nhà, học phí và mua sách vở cho em. Mỗi tuần họ chỉ cho con 500.000 đồng để đổ xăng, ăn uống và điện thoại. Tính ra, trung bình mỗi ngày, em tôi chỉ có 100.000 đồng để tiêu xài mọi thứ.
Tính ra, chi phí sinh hoạt một tháng của em vào khoảng 4 triệu đồng và được tiếp tế một ít thực phẩm từ quê đem lên (thường là trứng, trái cây, rau củ). Em cũng chỉ tiêu xài trong khoảng quy định đó thôi chứ không đi làm thêm kiếm tiền. Vậy nên, nếu các bạn không phải con nhà khá giả, giàu có, thì nên học cách co kéo sống được ở mức cơ bản. Đừng nên giả vờ sống như một 'rich kid' trong khi bố mẹ ở nhà vẫn khó khăn".
>> 'Sao phải khổ sở nấu ăn ở nhà để tiết kiệm?'
Một khảo sát trên 1.000 sinh viên ở Hà Nội và TP HCM hồi năm 2017 cho thấy mức chi tiêu trung bình hàng tháng của mỗi sinh viên sống với gia đình là 3,78 triệu đồng. Con số này là 4,92 triệu đồng với sinh viên không sống cùng gia đình, chủ yếu chi tiêu cho ăn, uống. Tuy nhiên, nhiều tân sinh viên cho hay, số tiền họ tiêu trong thời gian đầu mới nhập học thường cao hơn.
Độc giả Npt thẳng thắn chỉ ra những sai lầm trong việc chi tiêu khiến nhiều sinh viên rơi vào cảnh chưa hết tháng đã hết tiền: "Nếu không mấy dư dả thì những thứ đồ trang trí thật sự không cần thiết, như: thảm lót chân, dây trang trí phòng, khung tranh, đèn led... Lúc tôi đi ở trọ cũng chỉ mua bếp gas mini, một xoong, một chảo, vài cái chén, dĩa, tô để phục vụ nấu nướng, ăn uống và ngủ nghỉ.
Đến bây giờ, dù hơn 30 tuổi nhưng số lần tôi uống ly trà sữa cả trăm ngàn đồng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chỉ khi cần gặp đối tác, khách hàng hoặc tụ họp bạn bè thân thiết tôi mới uống. Không phải vì tôi không đủ tiền mà vì thấy nó không đáng để tiêu nhiều như vậy, lại không tốt cho sức khỏe. Cũng chẳng trách được vì ngày nay các bạn trẻ bị ảnh hưởng nhiều từ mạng xã hội, các video đánh giá sản phẩm trang trí nhà cửa, nuôi dưỡng tâm hồn quá hấp dẫn. Tôi chỉ căn ke vào tài chính gia đình để chi tiêu hợp lý.
Cho rằng chuyện sinh viên sốc chi tiêu xuất phát từ việc thiếu định hướng trong giáo dục phổ thông, bạn đọc Namluu nhấn mạnh: "Đay là hệ quả của việc học sinh không được chuẩn bị cho cuộc sống tự lập ngoài đời thực ngay từ những năm phổ thông. Các bạn sinh viên 18 tuổi, được coi là người trưởng thành, nhưng kỹ năng sống không có nên không thể mong đợi có thể sống tự lập ngay được.
Tôi đã có cơ hội được trải nghiệm giáo dục phổ thông ở CHLB Đức. Ở đấy, chúng tôi đi thực tập từ lớp 8 đến hết lớp 12. Suốt ba năm cấp hai, chúng tôi phải học ba môn sau: nấu ăn, may vá và quản lý hộ gia đình (trọng tâm là chi tiêu tài chính). Lúc đầu, tôi không hiểu vì sao giáo dục ở đây là khác với Việt Nam thế? Nhưng khi về nước và học đại học xa nhà, tôi mới thấy quả là hữu dụng. Tôi không những không chết đói mà còn nấu ăn ngon, quần áo vẫn tự vá đẹp và quan trọng là tiền không có nhiều nhưng vẫn không thiếu, cuối tháng vẫn có cơm ăn thoải mái.
Câu chuyện này có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, mấu chốt vẫn là sự chuẩn bị kỹ năng từ nhỏ cho các em. Đây là điều mà chúng ta hay cho là không quan trọng. Thay vào đó, người Việt chỉ tập trung tạo ra những bảng điểm đẹp. Học giỏi chuyên môn mà ra ngoài đời không biết quản lý chi tiêu thì cũng để làm gì?".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.