Ức chế vì sếp kém cỏi; cảm thấy bất công quản lý không biết cả những kiến thức cơ bản nhưng lại liên tục giao việc, đánh giá công việc của mình... đó là những suy nghĩ của không ít nhân viên văn phòng, nhất là những người trẻ khi nói về năng lực của người lãnh đạo.
Suy nghĩ khác về câu chuyện này, độc giả Nganld chia sẻ: "Tâm lý chê sếp kém cỏi thường là của những người mới đi làm, người chuyên môn càng giỏi càng dễ ức chế. Nhưng các bạn nên biết rằng mình chỉ là công cụ, còn sếp là người sử dụng những công cụ để xử lý những công việc cụ thể mà phòng ban của bạn đảm nhận. Đương nhiên, về nghiệp vụ cụ thể, sếp có thể không giỏi bằng nhân viên vì ít trực tiếp xử lý công việc, tuy nhiên họ lại biết cách sử dụng nhân viên để giải quyết công việc.
Chưa kể, những người có chuyên môn giỏi như bạn rất nhiều và rất dễ tuyển dụng. Trong khi đó, những người có năng lực lãnh đạo như sếp lại rất ít. Vì vậy, việc của nhân viên là nên làm tốt công việc được giao. Công ty không thuê bạn làm việc để rồi phải có thêm người kiểm tra bạn làm đúng hay sai. Bạn nên biết ơn sếp nếu họ phát hiện ra cái sai của bạn. Nếu bạn cảm thấy môi trường làm việc không tốt thì có thể chuyển chỗ khác. Nếu bạn thực sự có năng lực thì hoàn toàn có quyền chọn lựa, còn nế không hãy học cách chấp nhận".
Đồng quan điểm, bạn đọc Duy Hai phân tích: "Có câu 'lãnh đạo dụng tướng, quản lý dụng binh', suy cho cùng thì họ là người quản lý, có quyền giao nhiệm vụ và kiểm tra, đánh giá công việc của nhân viên. Vậy nên, so sánh chuyên môn của sếp với nhân viên là một điều khập khiễng.
Nhân viên nên làm tốt công việc của mình và tham mưu cho cấp quản lý, chú trọng vào quan hệ cấp trên - cấp dưới, đồng nghiệp một cách hài hòa. Điều đó sẽ tốt hơn là bạn đi so sánh chuyên môn với sếp. Nếu sa đà vào việc này thì trước sau gì người bị đào thải cũng chính là nhân viên mà thôi. Ngoài chuyên môn giỏi, kỹ năng ngoại giao, ứng xử và hòa nhập với môi trường làm việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cũng là một loại năng lực quan trọng mà những người làm sếp sở hữu.
Lấy ví dụ từ câu chuyện của bản thân, độc giả Nguyen Thai Nhuong cho rằng: "Tôi từng làm kỹ sư xây dựng, vị trí chỉ huy trưởng công trình khá lớn. Tôi có gặp vài người sếp trước tôi, lớn tuổi, máy tính cũng chẳng biết sử dụng và chuyên môn cũng không biết nhiều. Nhưng đặc biệt, họ giao tiếp rất tốt, mỗi khi cần mượn hay nhờ gì là có có ngay các mối quan hệ để xin giúp đỡ. Ban đầu, tôi cũng thấy rất ghét, và đố kỵ. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi bản thân lên làm chỉ huy trưởng, tôi mới phát hiện ra, làm sếp không cần chuyên môn giỏi vì đã có cả chục kỹ sư dưới chướng, chỉ cần giao tiếp tốt và phân công công việc, đảm bảo cho tiến độ chung là được".
>> Những nhân viên chê sếp bất tài
Khẳng định quan điểm "sếp kém cỏi vì không rành chuyên môn bằng nhân viên" là một sai lầm, bạn đọc Dao Thu Ha nhấn mạnh: "Bạn giỏi chuyên môn hơn sếp không có nghĩa là sếp kém cỏi hơn bạn. Đơn giản vì họ giỏi những thứ mà bạn không giỏi, và quan trọng đó lại là thứ mà vị trí lãnh đạo phải có. Bản thân sếp cũng xuất phát từ vị trí nhân viên rồi làm lâu được nâng lên làm trưởng nhóm, trưởng phòng... Đối với các vị trí lớn, có thể họ chỉ cần biết sơ sơ một chút chuyên môn, việc chính của họ là phải quản lý nhiều thứ khác.
Họ đứng ở tầm cao nên cũng sẽ nhìn thấy nhiều thứ bạn không thấy. Vậy nên, cách tốt nhất là nếu sếp là người chịu trách nhiệm thì cứ làm đúng ý sếp, còn không hay tìm chỗ làm khác. Làm việc mà cứ so bì, tỵ nạnh hoặc cảm thấy ức chế thì không thể làm lâu dài được".
Cùng chung suy nghĩ, độc giả Hong kết lại: "Tôi đi làm cũng nhiều năm, nhận thấy rằng các sếp chỉ có chuyên môn giỏi lại thường không làm việc tốt, chất lượng công việc chung cũng không tốt hơn là bao. Đơn giản là họ tập trung chuyên môn nên giao tiếp kém, không kết nối được mọi người trong tập thể, làm công việc chung đi xuống.
Cá nhân tôi thích làm việc với sếp có thể chuyên môn không quá giỏi nhưng tâm lý, mang lại năng lượng tích cực cho mọi người, như thế việc gì cũng sẽ trôi chảy. Ngược lại, nếu sếp quá cứng nhắc thì cố lắm cũng chỉ được 60-70% kỳ vọng, đừng bao giờ mơ tới việc công việc vượt mong đợi. Hy vọng các bạn trẻ sẽ có cái nhìn khác về sếp của mình, đừng vội chê bai sếp vì bạn ở vị trí đó chưa chắc đã làm hơn được họ đâu".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.