Tôi là tác giả bài viết "Sống tiết kiệm thay vì chạy đua kiếm tiền". Thực ra, tôi không có ý khuyên dạy ai phải sống thế nào vì quyết định là ở mỗi người. Qua câu chuyện của mình, tôi chỉ mong muốn chia sẻ được lối sống tối giản, hòa vào thiên nhiên, tôn trọng và bảo vệ môi trường của bản thân với mọi người, hy vọng sẽ cho các bạn thêm một gợi ý có ích.
Khi tôi dùng bồ hòn để giặt tẩy, tôi phải mua quả bồ hòn, mua đường, đi xin vỏ dứa là rác thải ở ngoài chợ về để tạo ra hợp chất hữu cơ giặt tẩy, làm sạch. Nhờ đó, tôi tiết kiệm được khoảng một triệu đồng mỗi năm tiền giặt tẩy, con số có vẻ không quá nhiều, những tác động tích cực đến môi trường là rất lớn.
Việc xài quần áo cũ, thực ra tôi thích dùng đồ secondhand, vì nhiều thứ rất xinh đẹp, độc lạ, chất lượng cũng còn tốt. Đồ mua về, tôi giặt sạch và mặc bình thường. Tôi mua đồ cũ cũng một phần vì không ủng hộ cho thời trang mới: để làm ra một cái quần bò, người ta phải mất đến 500 lít nước sạch, chưa tính thuốc nhuộm, hóa chất, xơ bông vải thải ra môi trường.
Còn việc tự trồng cây và rau xanh tại nhà, thực ra không quá phức tạp. Có thể các bạn chưa có kỹ năng tốt hoặc chỗ trồng quá thiếu nắng, nên rau không lên được. Tôi chỉ đơn giản là đất trộn phân bò, phân gà, rác thải nhà bếp, trấu hoặc xơ dừa. Nhà tôi đón nắng rất to nên rau lên rất nhanh, vừa ăn, vừa muối dưa, vừa cho hàng xóm mà không thể hết được.
Tài sản tích lũy của tôi có khoảng 600.000 USD. Số tài sản này là do bán đất mà có, và đương nhiên đất tăng giá không phải lỗi do tôi. Nếu người ta không đổ xô đi buôn đất và đẩy giá đất lên cao phi mã như mấy năm qua thì tôi cũng chỉ có khoảng ba tỷ đồng mà thôi. Tự nhiên đất tăng chóng mặt tới sáu lần, tôi không có nhu cầu dùng đến nên bán, việc này tôi nghĩ không trách ai được.
Tôi cũng chưa bao giờ lao tâm khổ tứ kiếm tiền vì bản tính tôi xưa nay lúc nào cũng thích chậm rãi, không thích xô bồ. Đúng là để làm được như thế cũng một phần là do tôi may mắn. Tuy nhiên, tôi không thích tiêu xài hoang phí, không thích mua sắm, mà sống cực kỳ tối giản.
Tại sao tôi phải mua đến 20 bộ quần áo để suốt ngày phải căng thẳng chọn lựa xem hôm nay mặc gì? Tại sao tôi phải có đến 20 thỏi son, trong khi chỉ hai là đủ dùng rồi. Giày guốc tôi cũng chỉ có ba đôi để thay đổi. Điện thoại bảy năm tôi chưa thay mới vì không có nhu cầu chụp ảnh, không khoe khoang trên mạng xã hội, không quan tâm đến người khác có gì hơn mình. Tôi từng đi du lịch những nơi đắt đỏ, nhưng chẳng hiểu sao lại phải chụp ảnh để khoe mẽ làm gì?
>> Tôi hối hận vì tiết kiệm mù quáng suốt thời tuổi trẻ
Ở đây, tôi tiết kiệm, bảo vệ môi trường, sống tối giản. Điều này hoàn toàn khác với việc bủn xỉn, keo kiệt. Tôi chưa bao giờ mặc cả khi đi chợ mua thức ăn. Shipper đến giao hàng cho tôi lúc nào cũng được tôi tip 10.000 đồng. Đi taxi lúc nào bác tài cũng được tôi tip 10% cuốc xe. Đi ăn nhà hàng lúc nào tôi cũng để ít nhất là 20.000 đồng tiền tip phẳng phiu ở trên bàn. Ra khỏi khách sạn, tôi luôn dọn dẹp phòng ốc gọn gàng, để 100.000 đồng ở trên bàn, kèm lời nhắn "cảm ơn" cho nhân viên phục vụ phòng. Như vậy thì đâu có nghĩa là keo kiệt, bủn xỉn phải không?
Tuy nhiên, mỗi tháng chi phí (không tính tiền du lịch) của tôi và bạn trai chưa tới 5 triệu đồng. Thực sự, tôi cũng chả bao giờ quan tâm là mình tiêu bao nhiêu, nhưng hòm hòm thì khoảng ba triệu đồng tiền ăn, 300.000 đồng tiền điện, một triệu đồng tiền chi tiêu lặt vặt. Thế là tôi thấy thoải mái sống rồi.
Tôi không tốn những khoản cà phê, trà sữa vì tôi chỉ uống cà phê pha máy ở nhà, còn trà sữa tôi sợ độc và tăng cân. Tôi cũng không tốn tiền cưới hỏi, thôi nôi, ma chay, hiếu hỷ, vì chỉ thực sự quý mến ai lắm tôi mới đi, không đi thì tôi từ chối thẳng và không mừng tiền. Còn quý mến ai tôi chỉ mừng khoảng hai triệu đồng, nhưng rất ít, cả năm chắc có một dịp như vậy.
Về phát triển kinh tế, chỉ cần 10% dân số sử dụng bồ hòn giặt quần áo như tôi thì diện tích trồng loài cây này ở Tây Nguyên đã có thể nhân lên biết bao nhiêu ha rồi? Trồng cây tốt hơn hay sản xuất xà phòng nước rửa chén, xả thải hóa chất ra môi trường tốt hơn đây? Câu hỏi này có lẽ không khó để trả lời. Việc buôn bán quần áo cũ cũng mang lại lời lãi. Thực tế, có hàng nghìn shop quần áo secondhand, buôn bán rất tốt trên thị trường. Người ta làm vì có lời lãi, chứ ai làm không công? Trồng rau sạch, bạn phải mua phân bón hữu cơ, chứ ai cho không? Vậy các cửa hàng bán vật tư nông nghiệp có lãi không?
Cái tôi chia sẻ ở đây là chúng ta có thể sống vui với rất ít tiền. Tôi vẫn luôn bảo lưu quan điểm nghèo thì không nên sinh con. Đẻ ra một đứa trẻ mà để nó khổ vì gia đình nghèo, thiếu thốn, hoặc cha mẹ không yêu thương nhau, thì tốt nhất đừng sinh con làm gì. Và đúng vậy, khi không có con, mọi việc đều đơn giản hơn nhiều.
Tuy nhiên, tôi biết nhiều bậc cha mẹ đáng quý, họ là tấm gương dạy con bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên, sống tối giản. Khổ nỗi những người bạn tôi mà họ có cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy, chăm lo cho con cái cẩn thận như vậy cũng chẳng ai nghèo. Các bạn cũng đừng nghĩ rằng người giàu rồi thì sẵn sàng lựa chọn cuộc sống như tôi. Thực tế, tôi biết có những người thực sự giàu, tài sản khoảng 500 - 1.000 tỷ đồng, nhưng họ mê kiếm tiền kinh khủng. Tầng lớp nào cũng có những người biết đủ và không biết đủ.
Thị trường bất động sản cũng như tài chính đang căng thẳng, những bạn rất giàu mà tham lam, không biết đủ vô cùng căng thẳng trong vòng xoáy tiền tệ, vay mượn, nợ nần, chứ không sung sướng gì. Chắc có bạn sẽ tò mò hỏi tôi vậy tiền để làm gì khi cứ tiết kiệm như vậy? Cho đến giờ, tôi cũng chưa nghĩ tới. Có thể khi chết đi, tôi sẽ viết di chúc để lại số tiền nhỏ mọn của mình cho một tổ chức trồng cây gây rừng, bảo vệ động vật nào đó.
Tôi cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện về sau già sẽ vào nhà dưỡng lão, lấy tiền ra để bắt con cái, người khác chăm mình. Tại sao tôi lại phải chạy theo cái vòng luẩn quẩn là già phải ngồi đăm chiêu trong viện dưỡng lão? Kết lại, tôi mong các bạn đừng nhầm lẫn giữa lối sống tối giản, tiết kiệm với lối sống bủn xỉn, keo kiệt. Tôi chỉ là một cá nhân trong hàng nghìn người khác lựa chọn lối sống tối giản, tiết kiệm, bảo vệ môi trường và thấy cuộc sống thật đơn giản, nhẹ nhàng, không có áp lực về tiền bạc.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.