Căng thẳng, phiền não do áp lực công việc, cuộc sống, do không biết chăm sóc bản thân là căn bệnh thời đại. Bán sức kiếm tiền thật nhiều và thật nhanh, định vị giá trị của mình trong xã hội, đang là cách sống mà nhiều người trẻ lựa chọn. Những điều đó liệu có đáng để bạn đánh đổi bằng cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của mình?
Tôi là một người lựa chọn cuộc sống đơn giản để không phải lao tâm khổ tứ kiếm tiền như nhiều người khác. Khi đi chậm lại và nhìn kỹ hơn về bức tranh cuộc sống, tôi mới nhận ra rằng đất mẹ yêu thương chúng ta biết bao, đất mẹ nuôi chúng ta giàu có, đủ đầy, xanh tươi như lá. Thế nên, tôi đã quyết định quay lưng lại với đời sống hiện đại, trở về thời thủy nguyên.
Tôi tự trồng rau xanh, ủ rác thải làm phân bón. Với hai chục thùng xốp trồng rau mà giờ tôi ăn không xuể. Tôi cũng tự làm xà phòng từ bồ hòn, không phải mua bất cứ hóa chất gì để làm sạch cơ thể và nhà cửa. Tôi hiện ăn chay được 90% và hoàn toàn bỏ mọi loại thịt khỏi bữa ăn hằng ngày. Mỗi khi đi chợ, tôi chỉ tốn tiền mua gạo, đậu và thi thoảng mua chút cá để đổi món. Tôi cũng tiết kiệm năng lượng một cách tối đa, không dùng đèn vào ban ngày, không mở tivi khi không thực sự cần xem. Tôi thích mua đồ cũ để mặc vì đôi khi "cũ người mới ta"...
Bạn thấy đấy, có rất nhiều thứ chúng ta có thể tiết kiệm được để khỏi phải lao tâm khổ tứ lo chạy đua kiếm tiền. Nếu chú ý, nhìn sâu một chút, chúng ta hoàn toàn có thể sống vui dù với rất ít tiền. Mặc dù về kinh tế, tôi không nghèo, thậm chí còn thuộc top 1% người khá giả, nhưng tôi bị "mắc bệnh" sợ tiêu tiền và chi phí vào những thứ không thực sự cần thiết. Nhưng không hiểu sao nhờ thế mà cuộc sống của tôi trở nên rất nhẹ nhàng, rất đơn giản, chẳng phải suy tính gì cả.
>> Giá trị của người học cao nhưng không giỏi kiếm tiền
Nói thêm là tôi cũng không dùng mạng xã hội, chỉ có những mối quan hệ người thật việc thật. Nhưng mỗi khi người nào đó gặp tôi, họ cũng bảo ước gì được lựa chọn cuộc sống như tôi bây giờ: thanh thản và luôn mỉm cười, không sợ hãi trước bất cứ biến cố nào, kể cả cái chết.
Chúng ta vẫn luôn tự coi mình là con người, đứng trên mọi loài vật khác vì có trí thông minh. Vậy nên nếu nghèo quá, sức lo cho thân mình không đủ, thì tạo sao bạn không hoãn việc sinh con. Hãy chỉ sinh con khi đủ điều kiện kinh tế và tình yêu giữa cha mẹ. Nghèo khổ mà cứ đẻ nhiều thì thử hỏi bao giờ cuộc sống mới khá lên được. Xin hãy xem những đứa trẻ ở khu ổ chuột ở Manila, Philippines để thấy hậu quả của việc sống thiếu suy nghĩ.
Nói tóm lại, "cơm, áo, gạo, tiền", nhà cửa hay con cái đều là quyền lựa chọn của mỗi người. Đừng tự đeo vào mình những thứ áp lực đó rồi biến chúng thành gánh nặng, kéo tụt cơ hội sống an nhàn, thảnh thơi, tử tế với bản thân của bạn lại.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ. Bộ Y tế Việt Nam ghi nhận, mỗi năm nước ta có thêm 200.000 ca mắc mới đột quỵ và khoảng 50% tử vong. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm. Trầm cảm cũng là điều khó tránh khi con người chật vật xoay xở trong bối cảnh kinh tế suy thoái, đại dịch hoành hành. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh này trong dân số chung tăng dần những năm gần đây, hiện khoảng 5-7%.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.