Nhà tôi có hai con nhỏ, bé lớn đang học lớp 5, sách còn mới, nhưng cũng không thể để lại cho đứa em sau này học tiếp được. Con nhỏ của tôi mới lên lớp 2, phải mua bộ sách mới với giá gần 800 nghìn đồng, đắt gấp ba lần bộ sách của anh trai.
Mỗi môn học thông thường có hai tập sách, giá khoảng 30-35 nghìn đồng một quyển, vở bài tập cũng khoảng 90.000 quyển, chưa kể con phải mua thêm cuốn Trạng nguyên Toán - Tiếng Anh - Tiếng Việt. Bao nhiêu đầu sách như vậy mà cứ hết năm học, con lại phải bỏ đi để thay sách mới trong khi sách cũ còn mới nguyên lại chẳng dùng được vào đâu.
Thấy sách mới nguyên, tôi có hỏi thì con bảo trên lớp chỉ học vài bài. Bởi nhẩm đơn giản mùa Covid-19 vừa qua, các con chỉ đến trường nửa buổi, mỗi ngày có 4-5 tiết học. Ấy vậy mà đủ các loại sách, từ sách giáo khoa, sách bài tập, sách thực hành, sách nâng cao, sách trạng nguyên, sách luyện viết chữ đẹp, rèn chữ... Nói thật, đến người lớn như tôi cũng không chắc có đủ thời gian để học hết ngần ấy thứ sách chứ nói gì đứa bé tiểu học. Hồi mới vào lớp 1, con tôi háo hức lắm, ấy vậy mà bây giờ lên lớp 2, tôi đã thấy con sợ học rồi.
Mà vấn đề không chỉ ở giá sách cao mà quan trọng là chúng ta đang quá lãng phí tiền của cho những bộ sách chỉ dùng được một lần. Giờ có thông tin Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra, kiểm tra và hoàn thiện quy định về biên soạn, phát hành, mua, sử dụng sách giáo khoa, điều tôi quan tâm nhất là không biết bộ sách cải cách lớp 1 năm vừa rồi của con tôi có thể để lại cho đứa em họ kém tuổi hay không?
>> Tốn tiền triệu mua sách giáo khoa mới cho con
Mỗi năm, chúng ta lại cải cách nội dung sách giáo khoa, trong khi thực tế kiến thức của lớp 1-2 thì không có quá nhiều cái cần thay đổi. Ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, hay với các gia đình công nhân, người lao động, hoàn cảnh khó khăn, việc phải đầu tư cho con một bộ sách cả triệu bạc mỗi năm không phải chuyện đơn giản.
Thiết nghĩ, các sách Tiếng Anh, Khoa học, Sử , Địa ở cấp một hay Toán, Lý , Hóa ở cấp hai cần được cải thiện về cả nội dung và hình thức để học sinh tiếp thu nhanh hơn, kiến thức thiết thực hơn. Còn nói thực, thời của tôi, bộ sách lớp 1 dù tái bản tới hơn 10 lần nhưng trình bày ngắn gọn, hấp dẫn, nên tới giờ tôi vẫn còn thuộc vài bài thơ hay trong đó.
Giờ thì sách giáo khoa mang tiếng được cải cách hết lần này đến lần khác nhưng chỉ đọc vài bài đầu đã thấy lủng củng, khó hiểu. Người biên soạn sách chứ cố tạo ra các câu có nhiều từ có tiếng, có vần, nhưng đọc cả câu thấy rất ngang (ngang cả ý, cả lời), xa rời văn nói hàng ngày, thành ra các cháu đọc xong chẳng hiểu gì. Tôi lại phải mất công cắt nghĩa, giải thích từng từ cho con hiểu. Sách Tiếng Việt mà khiến trẻ Việt đọc xong chẳng hiểu nổi, thật là chuyện cười ra nước mắt.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.