Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa công bố giá sách giáo khoa mới của lớp 3, 7, 10 ở hai bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo", áp dụng từ năm học 2022-2023. Giá các bộ sách này cao hơn từ hai đến ba lần so với bộ sách hiện hành.
Nói về việc tăng giá sách giáo khoa, độc giả Nguyễn Hồng Ngọc chia sẻ thực trạng: "Trường con tôi bán sách theo combo, học sinh bắt buộc phải mua tất cả, bao gồm sách giáo khoa, nhiều loại sách tham khảo, đồ dùng học tập và vở. Ba con nhà tôi học tiểu học, mỗi cháu hết khoảng 900.000 đồng cho một combo như vậy. Có trường hợp phụ huynh mua ngoài một, hai quyển, không giống sách của trường, nên lần sau bắt buộc phải mua lại của trường. Con tôi có lúc làm mất quyển nào đó, tôi mua lẻ ở ngoài thường được giảm 15%, vậy mà ở trường mua nhiều cũng không được giảm đồng nào".
Cùng suy nghĩ về những bất cập của sách giáo khoa mới, bạn đọc Ha Le cho rằng: "Con tôi học lớp 4, đầu năm nay cũng phải mua sách và dụng cụ học tập hết hơn 500.000 đồng, nghe mà giật mình. Thử hỏi với giá như thế, những em học sinh ở gia đình khó khăn sẽ thế nào? Mà sách chất lượng kém, học dễ bị sứt bìa, sứt trang. Sách đổi liên tục, chỉ trong vòng ba năm mà sách lớp 1 đã đổi hết ba loại. Loại nào cũng nghe nhà xuất bản khen là tốt, thế sao phải đổi nhiều vậy nhỉ? Rồi học bằng lớp nhưng hai trường khác nhau lại học hai loại sách khác nhau. Năm nay con nhỏ của tôi vào lớp 1, chẳng biết bé được học sách gì nữa?".
"Nhà tôi phải mua cả bộ sách giá gần một triệu đồng, rất nhiều sách không dùng tới. Chưa học xong lớp 3, trường đã gửi danh sách các đầu sách năm sau, không hướng dẫn, chọn lọc gì cả. Những bố mẹ tâm lý đều sợ con thiếu sách nên đành mua hết, chỉ một số gia đình có con từng học mới biết mà chọn sách mua", độc giả Ruanlaoshi bổ sung thêm.
>> Sách giáo khoa 600 nghìn đồng đem bán giấy vụn
Theo lý giải của nhà xuất bản, sách tăng giá vì được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường hình ảnh với cách trình bày, minh họa sinh động, hấp dẫn; khổ sách lớn hơn; số cuốn trong mỗi bộ nhiều hơn (chủ yếu phục vụ các môn như Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp).
Tuy nhiên, không thỏa mãn với lời giải thích này, bạn đọc Hoa nhấn mạnh: "Xin cho tôi hỏi, sách giáo dục thể chất cả năm không học thì bắt học sinh có: vở bài tập, vở ghi, vở ôn, vở nháp, bảng, que tính... Một ngày học 4-5 môn như thế, thử hỏi có trĩu vai đứa trẻ không? Trẻ cần vận động nhưng giờ thể dục lại quá ít vì giáo dục thể chất bị coi nhẹ. Ngày nay, trẻ đến trường từ 6h30 nên chưa kịp ăn bữa sáng trọn vẹn. Thế nên, ta mới dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ ngồi tạm ở cổng trường gặm ổ bánh mì, hay dựa gốc cây ăn vội gói xôi trước khi vào lớp. Chỉ hình ảnh ấy thôi, tôi cũng thấy buồn tê tái".
Nói về những bất cập tồn tại liên quan đến bộ sách giáo khoa mới, cần được sớm giải quyết, độc giả Quynhngabr252 chỉ rõ: "Theo tôi, có mấy điểm hạn chế của sách giáo khoa bây giờ:
1. Giá sách quá đắt.
2. Sách Giáo dục thể chất không cần thiết (lớp 1 lo học chữ chưa xong mà còn phải đọc quyển Giáo dục thể chất để làm gì?). Hồi xưa đi học đâu có sách Giáo dục thể chất, toàn lắng nghe thầy nói và thực hiện theo. Đây là một điều lãng phí.
3. Các sách bài tập quá nhiều. Học sinh không có thời gian để sử dụng và cũng không thấy sử dụng mấy.
4. Mỗi nơi lại có danh sách sách tự chọn khác nhau nên không thể truyền lại cho đàn em (sử dụng bộ sách khác).
Ngần ấy thứ bất cập của sách giáo khoa cải cách cũng đủ khiến phụ huynh đau đầu".
Năm học 2021-2022 mới là năm thứ hai ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng thời gian qua đã có nhiều chuyện lùm xùm về những hạn chế của một số đầu sách giáo khoa. Từ chuyện "sạn" trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (bộ sách Cánh Diều), sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống), sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2, sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) cho tới những ồn ào chuyện không dạy chữ "p" trong sách Tiếng Việt lớp 1 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống).
Nhìn lại những lần cải cách, thay đổi chương trình, sách giáo khoa trong hơn 20 năm qua (từ khi triển khai cuộc cải cách Giáo dục lần thứ tư năm 2000), về cơ bản, việc đổi mới giáo dục vẫn gặp nhiều khó khăn, mới chỉ dừng lại ở mức manh mún, chứ chưa có những chuyển biến tích cực mang tính toàn diện. Sách giáo khoa vẫn là mặt hàng độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, dẫn đến tình trạng nhiều đầu sách được thiết kế chỉ dùng một lần rồi bỏ. Cộng thêm việc trải qua hàng chục lần giảm tải, tích hợp chủ đề, mỗi năm thay một đầu sách... gây ra rất nhiều lãng phí trong xã hội và tạo áp lực lên phụ huynh, học sinh.
>> Bạn tốn bao nhiêu tiền mua sách giáo khoa mới cho con? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.