Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết có ba loại ký sinh trùng chính gây bệnh ở người gồm vi nấm, sinh vật đơn bào; các loại giun sán và ngoại ký sinh như chấy, ghẻ... Trong đó, ký sinh trùng đơn bào và giun sán (cả dạng trứng, ấu trùng, trưởng thành) thường tiềm ẩn trong rau củ quả hoặc thịt động vật như bò, heo, cá, cua, lươn, ếch, chim, rắn. Người có thói quen ăn rau sống, thịt sống, thịt tái, tiết canh, nem chua, thịt muối, khả năng cao nhiễm ký sinh trùng.
Một số ngành nghề thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất, nước như nông dân, nuôi trồng thủy hải sản, công nhân vệ sinh môi trường... có tỷ lệ nhiễm giun sán cao hơn. Sở thích nuôi, ôm hôn, ngủ cùng chó, mèo, hoặc thả rông vật nuôi cũng là tác nhân gây bệnh. Giun sán ký sinh trong cơ thể vật nuôi, đẻ trứng rồi phóng thích ra môi trường thông qua phân. Trứng giun có thể phát tán khắp nơi, trên vật dụng sinh hoạt trong nhà, trong không khí, bám vào thức ăn và xâm nhập vào cơ thể người.
Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, thời tiết nóng ẩm quanh năm thuận lợi cho các bệnh vi nấm phát triển, ký sinh trùng dễ xâm nhập cơ thể người. Trong bối cảnh này, môi trường sống thiếu vệ sinh, sinh hoạt chung đụng tập thể hoặc người lao động tiếp xúc trực tiếp đất, nước bẩn, nguy cơ nhiễm giun sán rất cao.
"Ai cũng có thể nhiễm nhiều loại ký sinh trùng, nhiều lần và dễ tái nhiễm nếu sống trong vùng dịch tễ có bệnh lưu hành", bác sĩ Bích nói.
Tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mỗi tháng ghi nhận khoảng 200 bệnh nhân, cả trẻ em lẫn người lớn, đến khám do nhiễm ký sinh trùng. Đơn cử bà Vân, 54 tuổi, ngụ Bình Định, 5 năm nay thường ngứa, nổi hồng ban toàn thân, khám nhiều nơi không tìm được nguyên nhân. Bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, được BS.CKI Phan Sơn Long chỉ định xét nghiệm ký sinh trùng, xét nghiệm 60 dị nguyên gây dị ứng, kết quả bệnh nhân nhiễm giun đũa chó mèo và giun lươn.
Tương tự, anh Quang, 28 tuổi, nổi sẩn hồng ban mụn nước, da tróc vảy, ngứa, được chẩn đoán đồng mắc ghẻ và nấm da. Vợ cùng hai con anh cũng xét nghiệm ghi nhận bệnh ghẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Châu, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích người nhiễm ký sinh trùng thường nổi mề đay, ngứa nhiều do hệ miễn dịch nhận diện ký sinh trùng là dị vật nên phản ứng để tiêu diệt, đào thải khỏi cơ thể. Quá trình này giải phóng lượng lớn histamin gây viêm, sưng phù mao mạch dưới da dẫn đến viêm đỏ, phát ban, ngứa và khó chịu. Các chất thải từ ký sinh trùng tích tụ trong da, lâu ngày gây sưng tấy, tổn thương da.
Tùy loại ký sinh trùng và vị trí ký sinh trong cơ thể người mà tác hại khác nhau. Ký sinh trùng gây viêm da, nổi mề đay, nhiễm trùng; vào gan, mắt, não, tủy sống dẫn đến giảm thị lực, mù, đau dây thần kinh, liệt, nặng thì hôn mê, thậm chí tử vong.
Ký sinh trùng chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gây nổi mề đay, ngứa da. Do đó, bác sĩ Bích khuyên khi có triệu chứng ngứa, người bệnh nên đi khám để xét nghiệm, tìm nguyên nhân chính xác và điều trị phù hợp. Như bà Vân điều trị bằng thuốc diệt ký sinh trùng, hai tuần sau xét nghiệm lại cơ thể không còn giun lươn, giun đũa chó mèo, tình trạng nổi mề đay giảm dần.
Còn gia đình anh Quang được hướng dẫn xịt thuốc diệt ghẻ ngoài da mỗi ngày trong một tuần. Đồng thời, vật dụng trong nhà được giặt sạch, phơi khô, là ủi và xịt thuốc trong 8 ngày. Riêng anh Quang sau khi hết ghẻ được điều trị nấm để tránh nguy cơ kích ứng da.
Để phòng ngừa nhiễm ký sinh trùng, các bác sĩ khuyến cáo mọi người ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn gỏi, đồ tái, tiết canh, rau sống. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch. Thu gom rác thải đúng nơi quy định, thường xuyên vệ sinh chuồng trại cho chó mèo và tẩy giun định kỳ.
Anh Thư
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |