Liên tục nhảy việc dường như là đặc điểm của lao động Gen Z. Xu hướng này đang ngày càng phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ, khi người lao động không ngừng tìm kiếm môi trường làm việc phù hợp với cơ hội thăng tiến và mức lương hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, với nhiều nhà tuyển dụng, điều này lại là điểm trừ.
Bản thân tôi cũng là một người sử dụng lao động, nhưng chưa bao giờ đòi hỏi nhân viên của mình phải cống hiến vô điều kiện. Tại sao người lao động lại phải hy sinh cho công ty? Bản chất của mỗi quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp vẫn là yếu tố win-win, đôi bên cùng có lợi. Nên chẳng có lý do gì bắt người lao động phải làm nhiều, hưởng ít.
Ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, ông chủ thu về mức lợi nhuận thậm chí gấp hàng ngàn lần lương của một nhân viên. Vậy thử hỏi ông chủ có hy sinh vì nhân viên không? Việc yêu cầu nhân viên "phải vì tổ chức, vì tập thể" rồi chịu đựng trả lương không tương xứng, bị bóc lột sức lao động, không được nghỉ vì sẽ ảnh hưởng mọi người, có vẻ như là một luận điểm rất vô lý và không có nền tảng logic (nói cách khác là ngụy biện).
Đem sức lao động, thanh xuân ra đổi lấy tiền bạc thì đương nhiên ai cũng có quyền lựa chọn nơi cống hiến. Chẳng có lý nào mà lại bắt nhân viên phải biết ơn công ty đã nhận mình vào làm cả. Tôi không có năng lực thì có được nhận không? Tôi vào làm nhưng lười biếng, không đem lại lợi ích cho công ty thì họ có hy sinh trả lương không hay sẽ đuổi việc ngay lập tức?
>> Tuổi 35 sợ mất việc vì 15 năm cống hiến mù quáng cho công ty
Có một thực tế tôi thấy tại Việt Nam là các doanh nghiệp (cả trong và ngoài nước) đều rất chuộng chi lương cao cho nhân sự mới tuyển vào, nhưng lại tìm cách bòn rút tối đa của những nhân viên có thâm niên, cống hiến lâu năm. Tôi không biết nguyên nhân vì sao, nhưng thực tế đó vẫn diễn ra mỗi ngày.
Thế nên, không chỉ Gen Z, mà người lao động nói chung, ai cũng phải nhảy việc liên tục để có lương cao. Bản thân tôi cũng từng nhảy việc qua hai công ty trong vòng hai năm để tăng được 200% lương. Trước đó, tôi cống hiến cả thanh xuân suốt sáu năm trời cho một công ty ngoại nhưng chỉ đổi lại sự bóc lột với mức thù lao vỏn vẹn gần 700 USD một tháng. Còn người yêu của tôi cũng nhảy việc ba lần chỉ trong một năm rưỡi mà lương tăng gấp ba lần.
>> Sếp tôi cống hiến 10 năm nhưng nhà, xe chẳng có
Tóm lại, tôi cho rằng nhảy việc chẳng có gì sai, và không thể đòi hỏi nhân viên phải cống hiến khi lương thưởng họ nhận lại không xứng đáng với sức lao động đã bỏ ra. Cuộc chơi là bình đẳng giữa tất cả các bên và ai cũng có quyền lựa chọn cho riêng mình.
Theo khảo sát cuối năm 2023 của công ty Anphabe, ý định gắn bó của Gen Z với công ty chỉ khoảng 2,2 năm, thấp hơn khá nhiều so với Gen Y (3,2 năm) và Gen X (4,3 năm). Nghiên cứu của công ty nhân sự Talennet còn đưa ra con số nhỏ hơn nữa, chỉ 1,7 năm. Khảo sát của một trang thông tin việc làm trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận 85% người lao động muốn nhảy việc. Nhóm tuổi 18-24 dẫn đầu với tỷ lệ hơn 96%, 89% trong độ tuổi 25-34.
Khoa Nguyen
- Sếp tôi cống hiến 10 năm nhưng nhà, xe chẳng có
- Tuổi 35 cam chịu lương một tháng không bằng làm thêm một ngày
- Lương IT 20 triệu đồng, tôi từ chối cống hiến cho công ty
- Làm việc đến 9 giờ tối vì sợ sếp đánh giá
- 'Rất vô lý khi chê trách nhân viên nhận thêm việc bên ngoài'
- Ba năm cống hiến lương chỉ tăng 10%