Tôi đồng ý với bạn Tiến sỹ Gàn về việc chỉ tuyển nhân viên 'làm trước hưởng sau'. Hai chữ "năng lực" chẳng in trên hồ sơ, nếu có năng lực thì bạn phải chứng minh. Việc chứng tỏ ấy không phải một ngày, một buổi mà phải là một quá trình. Có công ty ít người, cường độ công việc cao, chạy ngược chạy xuôi cả ngày không hết việc, quá trình chứng tỏ càng nhanh. Ngược lại, có công ty nhiều người, bạn có dư thời gian để điều chỉnh, xây dựng và chọn biện pháp làm việc tối ưu, quá trình chứng tỏ sẽ hơi lâu.
Công việc lương thấp là công việc mà bạn chỉ phải chịu trách nhiệm với cấp trên ở năng lực làm việc cá nhân. Công việc lương cao, bạn không chỉ chịu trách nhiệm ở phần việc của mình mà còn cả của người khác, những nhân viên dưới quyền. Ví dụ, bạn lên chức tổ trưởng nghiệp vụ, quản lý ba đến năm nhân viên, bạn phải chịu trách nhiệm công việc của cả tổ này chứ không phải chỉ riêng công việc của bạn. Khi bạn lên chức nhóm trưởng phụ trách nhiều tổ khác nhau, nhân viên dưới quyền có tới hàng chục, thậm chí cả trăm người. Người ta trả tiền công cao cho bạn chính là tiền quản lý nhân viên.
Nếu có người chống đối sự chỉ huy của bạn, bạn không có quyền sa thải họ nhưng có quyền trả người đó về phòng nhân sự và đề nghị tuyển người khác thay vào. Bạn phải chịu trách nhiệm công việc của cả nhóm nên có quyền sinh, quyền sát với bất kỳ người nào trong nhóm đó. Tương tự với các chức vụ cao hơn. Lẽ đương nhiên, khi bạn muốn "sinh sát" ai thì bản thân phải có bằng chứng là kết quả công việc kém của họ.
>> Nhân viên cần cống hiến trước khi đòi hỏi quyền lợi
Chức vụ càng cao, trách nhiệm càng nặng. Trách nhiệm càng nặng, tâm tính của bạn càng trở nên khó ưa (viết mail cộc lốc, truyền đạt mệnh lệnh nhát gừng, nặng lời với người có kết quả công việc kém). Sếp yêu thích người này, ghét bỏ người kia phần lớn do kết quả công việc của người đó. Đây là công ty lớn, sếp chưa hẳn là ông chủ. Kết quả kém làm ảnh hưởng tới năng suất của cả tổ, người ta hoặc là chờ bạn hết hợp đồng, hoặc là tạo áp lực để bạn tự ý xin nghỉ. Công ty là nơi người ta hợp tác với nhau để làm việc, phải có tôn ti trật tự, có kỷ luật, không phải là nơi bạn muốn làm gì thì làm. CEO cũng bị sa thải như ai chứ đâu phải chức to thì ngồi hoài, không cần phải cố gắng gì.
Chịu trách nhiệm với công việc của người khác, tức là công tác quản lý, là công việc rất nhức đầu. Có người tự giác làm việc, có người đôn đốc "gãy lưỡi" mới chịu làm. Những người chây ỳ thường nhắm vào lúc công ty đang có đơn hàng gấp để vòi vĩnh thêm vì họ thừa biết công ty không thể sa thải người lúc này. Kẻ biết lợi dụng tình thế để tống tiền không phải là nhân viên tốt.
Đàm phán lương thưởng là chuyện của bạn với phòng nhân sự, liên quan gì đến chuyên môn nghiệp vụ? Chúng tôi chỉ là người quản lý chuyên môn nghiệp vụ, không có quyền nâng lương cho ai cả, nhiều lắm là đề nghị thưởng nóng cho bạn nếu kết quả công việc của bạn vượt trội người khác ở thời điểm nhất thời nào đó. Chừng nào bạn lên chức nhóm trưởng, đầu chưa đụng trời (phía trên còn có sếp to hơn), chân không chạm đất (phía dưới có nhiều nhân viên thuộc quyền), lúc đó bạn muốn nói gì thì nói. Đa phần mấy người hay eo xèo là mấy người thuộc hạng "lính", ở đâu cũng tuyển được cả tá.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.