Lý luận "công ty phải có chế độ đãi ngộ tốt, có ghi nhận thành tích công nhân viên, đưa ra các phần thưởng thì họ mới chuyên tâm và nhiệt tình trong công việc" chỉ là sự ngụy biện cho tính lười nhác của nhân viên mà thôi. Với kinh nghiệm gần 20 năm đi làm, từ vị trí sai vặt thấp nhất, lên quản lý, rồi ra làm chủ, tôi khẳng định rằng người chủ chỉ trả công cho bạn sau khi bạn thể hiện rằng mình xứng đáng nhận nó, chứ không có chuyện bạn nhận được ưu đãi tốt rồi mới làm việc hết mình.
Gần 20 năm trước, tôi không bằng cấp, bắt đầu với chân sai vặt với mức lương bèo bọt 500 nghìn đồng mỗi tháng. Sau sáu tháng, lương của tôi lên một triệu. Sau gần 10 năm, tôi kinh qua các vị trí nhân viên, quản lý, Trưởng phòng, Giám đốc, và bây giờ tôi ra làm ăn riêng. Trong gần 10 năm đó, tôi chưa bao giờ đòi hỏi về lương hay quyền lợi cho mình.
Nếu bạn đã cống hiến, nhưng không nhận lại được tương xứng, lúc đó bạn có thể ra đi vì sẽ có nhiều người trải thảm đón bạn. Nhưng nếu bản chất bạn lười nhác thì dù công ty có đãi ngộ tốt như thế nào đi nữa, bạn cũng vẫn lười nhác, vì luôn coi rằng đó là điều bắt buộc người ta phải làm cho bạn, chứ không phải bạn cần phấn đấu để đạt được chúng.
>> Tôi phản kháng sếp vì bị đối xử như ban ơn
Rất nhiều người Việt mang tâm lý làm việc vừa đủ hoặc ít hơn thù lao được nhận, không nỗ lực làm nhiều hơn vì sợ thiệt thòi thay vì nghĩ rằng phần đấu để lên một trình độ cao hơn. Vì vậy, làm việc chuyên tâm, cống hiến hay không là do bản chất mỗi người chứ chưa chắc do chế độ đãi ngộ tốt hay dở. Khi nhân viên hiểu ra những giá trị này, họ đã lên làm quản lý rồi.
Cho dù công ty không yêu cầu cao thì bản thân mỗi người vẫn phải tự đặt thử thách cho mình. Bởi điều đó sẽ giúp bạn thể hiện sự chuyên nghiệp, giúp bạn nâng cao kỹ năng, trau dồi kiến thức để sẵn sàng nhảy sang công việc khác với mức thu nhập cao hơn, đãi ngộ tốt hơn nếu công ty hiện tại không đáp ứng được yêu cầu của bạn.
Tất nhiên, tôi không nói mình đi làm không cần lương và quyền lợi, nhưng tôi chỉ không yêu cầu nó bằng miệng mà thể hiện nguyện vọng qua chính hành động, sự nỗ lực, cống hiến của mình. Đó là cách đòi quyền lợi tốt nhất. Với sự chuyên nghiệp đó, không chỗ này cũng có chỗ khác trọng dụng bạn. Nó sẽ giúp bạn nhanh chóng đi lên những vị trí cao hơn. Nếu bạn vẫn cứ giữ suy nghĩ đòi quyền lợi trước khi cống hiến, bạn sẽ mãi không thể tiến được xa.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.