(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Đọc bài viết "Sa thải mùa Covid 19", tôi có một vài quan điểm như sau:
Trên tư cách là người sử dụng lao động, chẳng ai muốn sa thải nhân viên của mình, trừ khi năng lực làm việc của họ quá kém. Sa thải lao động hàng loạt hiện nay là do kinh tế giảm sút vì dịch bệnh chứ không ai muốn. Không có đơn hàng, không có việc làm chẳng lẽ bỏ tiền túi ra nuôi nhân viên?
Tình trạng này đã được báo trước từ lâu ngay khi bắt đầu các chiến dịch cách ly, giãn cách xã hội. Nhiều người có tâm thế "chuyện xảy ra ở đâu đó, chẳng liên quan gì đến ta" rồi bình chân như vại, không lo chuẩn bị trước, đến lúc bị sa thải thì đã trễ. Tuyên bố của Chính phủ "chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân" cho thấy việc "hy sinh kinh tế" ấy có nghĩa là gì.
Hai tháng trước, sau khi vừa hết giãn cách xã hội, đến kỳ lương, nhiều nhân viên công ty tôi nhận được lương thấp – thấp hẳn so với bình thường – tỏ ra bất mãn ra mặt. Không ít người (mới vào làm chưa quá một năm) nộp đơn nghỉ việc, một vài người tìm tôi hỏi "cho ra lẽ".
"Công ty vẫn trả lương đúng cho các anh, chẳng trừ một đồng nào đâu", tôi đáp. Họ tiếp tục vặn hỏi: "Vậy sao lương thấp thế?". Tôi trả lời: "Các anh nghỉ cách ly, không làm việc, chúng tôi lấy đâu ra tiền để trả cho khoản nghỉ cách ly ấy?"...
Chưa dừng lại ở đó, tháng sau lương của họ thấp hơn tháng trước, một lượng lớn nhân viên nữa lại nghỉ việc. Mấy người này chỉ đến khi ra ngoài nhìn thấy thất nghiệp đầy đường mới ngã ngửa ra. Bây giờ, chẳng ai hỏi han hay kiện cáo gì nữa vì họ đã biết "yêu quý" chỗ làm, dù lương bổng ngày càng bèo bọt. Nền kinh tế mở luôn là như vậy. Doanh nghiệp, tổ chức "hắt hơi, sổ mũi" ở đâu là mình liệt giường, họ "chết dịch" là mình "chết đói". Cho nên, đừng bao giờ nghĩ cái chuyện "khó khăn của người ta chẳng liên quan gì đến mình".
>> Nhân viên dọa nghỉ việc vì bị giảm lương, cắt thưởng
Công ty nào trước dịch làm ăn tốt, tiền bạc đầy ắp trong tài khoản, phát triển doanh nghiệp thì bây giờ khoản tiền đó được điều chuyển qua quỹ đề phòng rủi ro. Tiền từ quỹ này mỗi tháng trích sang quỹ lương để giữ nhân viên, cố gắng cầm cự. Đóng cửa doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp sẽ mất đứt tài sản vô hình – thương hiệu, tức là mất sạch đối tác và khách hàng, sau này mở cửa làm ăn lại gần như làm lại từ đầu. Tức là giống như bạn mở quán cà phê mà phải bù lỗ từ năm này sang năm nọ cho đến khi có lãi. Bù lỗ cho hoạt động doanh nghiệp tốn kém gấp bội so với bù lỗ quán cá phê vì có phòng ban, bộ phận chức năng.
Công ty nào trước dịch làm ăn kém thì sa thải nhân viên "online" là bình thường. Tôi viết nhiều bài trước đây, đề cập chuyện nhảy việc, chuyện "có bao nhiêu xài bấy nhiêu" vì tôi đã từng trải qua các giai đoạn "lên voi xuống chó" trong cuộc đời. Giới trẻ bây giờ, thuận lợi quá rồi cho rằng cuộc đời sẽ luôn như vậy, chỉ biết hôm nay không nghĩ đến ngày mai. Khi rủi ro đổ ập xuống đầu, chỉ biết kêu ca, than vãn.
Kinh tế Việt Nam muốn phục hồi thì phải đợi mấy "ông lớn" trên thế giới giải quyết xong dịch bệnh. Nhanh nhất cũng sau một năm khi người ta làm ra được vaccine. Bây giờ đã có vaccine chưa? Từ đó tự bạn đoán ra được bao giờ thì kinh tế phục hồi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.