Đọc bài viết "Nhân viên ngân hàng mất việc", tôi vô cùng đồng cảm với tác giả. Tôi năm nay 26 tuổi, đã có 5 năm trải nghiệm qua hai ngân hàng (một ngân hàng TMCP và ngân hàng của Nhà nước). Văn hóa làm việc ở mỗi nơi tất nhiên là khác nhau, nhưng có một điểm chung đó là: một ngày làm việc của dân ngân hàng luôn kéo dài khoảng 10-12 tiếng đồng hồ. Đó là chưa kể chuyện phải làm việc ngoài giờ hành chính, đi tiếp khách hàng, gặp gỡ đối tác...
Vì thế, nếu bạn là nhân viên ngân hàng mà vẫn còn thời gian để kiếm thêm thu nhập bằng nghề tay trái, tôi sẽ rất ngưỡng mộ vì cách bạn sử dụng quỹ thời gian quá khôn khéo. Trừ 12 tiếng làm việc một ngày cho tất cả những công việc còn lại, bao gồm cả ăn uống, sinh hoạt, đi lại... Nếu không, bạn chỉ có thể dùng thời gian ở cơ quan để song song cùng lúc làm việc "bằng cả hai tay".
Tôi xin chia sẻ những công việc thường ngày của dân ngân hàng ở chi nhánh để các bạn hiểu hơn về nghề này. Công việc ngân hàng chia theo hai mảng: tiếp xúc trực tiếp với khách hàng (Front Office) và các phòng ban hỗ trợ còn lại (Back Office).
1. Front Office: có thể hiểu là bộ phận kinh doanh, bộ phận bán hàng.
Giao dịch viên: Ngoài việc ngồi ở quầy tiếp khách liên tục từ 7h30–17h (có ngân hàng sẽ cho thay phiên ca trực xuyên trưa để phục vụ đúng tiêu chí 24/24), họ còn phụ trách hạch toán tất cả giao dịch phát sinh nội bộ như giải ngân, chuyển tiền quốc tế... của cả chi nhánh. Và sau 17h, khi cánh cửa ngân hàng đóng lại, người người người nhà nhà ra về chuẩn bị nấu cơm tối, họ vẫn phải ngồi lại chấm chứng từ, kiểm quỹ, đối chiếu "khớp tiền" nhập - xuất, bổ sung chứng từ thiếu... Có cả những trường hợp giải ngân trễ, nhưng do đối tác cùng hệ thống nên họ vẫn phải ngồi lại đợi đến khi nào hồ sơ báo hoàn tất để "đi tiền", rồi lại hạch toán, in chứng từ, và lại kiểm chứng từ...
>> Nhân viên ngân hàng ba lần khởi nghiệp
Nhân viên quan hệ khách hàng:
- Khách hàng doanh nghiệp: Trong bảng mô tả công việc của nhóm này sẽ luôn yêu cầu tiêu chí tìm kiếm và phát triển khách hàng. Vậy, các bạn sinh viên mới ra trường, hoặc ngay cả những người đã đi làm lâu năm, mối quan hệ của các bạn đang ở mức nào? Các bạn có thể tiếp cận trực tiếp được với giám đốc, kế toán trưởng hoặc người có quyền điều hành trực tiếp doanh nghiệp đó để giới thiệu sản phẩm của ngân hàng hay không?
Thực tế, với mức độ khắt khe về quy định và chính sách ngân hàng như hiện nay, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay, đòi hỏi đầu tiên là phải có tài sản đảm bảo tốt, chủ doanh nghiệp uy tín tốt và công ty có kết quả kinh doanh tốt. Nên đa phần khách hàng là của Ban Giám đốc tìm về. Các khách hàng này sẽ được ngân hàng cấp cho một hạn mức vay, các bạn quản lý khách hàng sẽ làm nhiệm vụ trình để được phê duyệt hồ sơ đó, giải ngân và thu nợ khi đến hạn, rồi lại tiếp tục giải ngân và chuẩn bị thu nợ kỳ tiếp theo...
Một cán bộ quản lý khách hàng tùy mức độ có thể quản tầm vài chục công ty, không ngoa khi nói là làm cả đời không hết việc, vì từ khi công ty bắt đầu quan hệ với ngân hàng đến khi nào công ty đó phá sản, hoặc bạn nghỉ việc thì mới "đường ai nấy đi".
- Khách hàng cá nhân: Đây là bài sát hạch đối với các bạn theo đuổi ngành ngân hàng vì ai cũng có mối quan hệ gia đình, bạn bè... nên sẽ bị gán chỉ tiêu một tháng phải mở được bao nhiêu tài khoản, thẻ tín dụng, huy động gửi tiết kiệm bao nhiêu tiền... Nếu cán bộ quản lý khách hàng doanh nghiệp chỉ quản vài chục khách hàng thì mỗi cán bộ quản lý khách hàng cá nhân sẽ quản tầm vài trăm khách hàng trở lên (vì tính chất vay cá nhân chủ yếu vay mua nhà, mua xe nên chỉ làm hồ sơ một lần và nhắc nợ trăm lần, đến khi nào khách hàng trả xong hết món nợ đó hoặc bạn lại nghỉ việc trước).
Nói tóm lại, quản lý khách hàng là phải kiếm được khách, không kiếm được khách lớn thì kiếm khách nhỏ. Không kiếm được khách nữa thì cũng phải đi tiếp khách với sếp. Có hồ sơ thì ngồi ở văn phòng làm, khi nào xong lại đi kiếm khách tiếp...
Có lẽ banker nào khi đi phỏng vấn cũng nghe câu: "Em uống được mấy chai?", nhất là với các bạn nữ. Đây không phải câu trêu ghẹo hay bông đùa, bởi đặc thù của ngành này phải thế, và do văn hóa "ký hồ sơ trên bàn nhậu" buộc những người làm ngân hàng phải vậy.
>> 'Nhân viên ngân hàng gạ mua bảo hiểm 35 triệu đồng'
2. Back Office:
Đây là bộ phận hỗ trợ khối Front Office. Tôi chỉ nói về phòng nghiệp vụ Back Office đơn thuần nhất tại một chi nhánh, không đề cập đến các vị trí ở Hội sở vì mỗi ngân hàng sẽ có phòng ban khác nhau, và bản thân tôi cũng chưa kinh qua những công việc đó.
Hỗ trợ tín dụng (hay quản trị tín dụng): là bộ phận làm nhiệm vụ soạn hồ sơ, cùng khách hàng đi công chứng, đăng ký thế chấp tài sản, kiểm tra mức độ đáp ứng của hồ sơ để tiến hành giải ngân. Có thể coi hỗ trợ tín dụng là hàng rào an toàn của ngân hàng trước khi quyết định xuống tiền. Ở các ngân hàng TMCP thường tập trung đầu mối giải ngân ở Hội sở chính nên sẽ mất rất nhiều thời gian, sắp xếp luân phiên theo thứ tự từng bộ hồ sơ được chi nhánh scan gửi lên. Hỗ trợ tín dụng cũng là kho tàng lưu trữ tất cả hồ sơ của chi nhánh. Họ luôn phải cập nhật kịp thời các quy định mới của ngân hàng và phổ biến lại cho các phòng ban khác. Tốc độ đổi mới quy định, sản phẩm của ngân hàng nhanh hơn cả vòng quay chong chóng.
Bộ phận này cũng là tâm điểm gây bức xúc nhiều nhất cho cán bộ quan hệ khách hàng. Vì khách hàng không biết gì về quy trình ngân hàng, phải thông qua các bước từ A-Z, chỉ nghĩ cầm bút ký hợp đồng vay là ngân hàng chuyển tiền ngay lập tức bằng một cái búng tay. Khách hàng quên rằng nhân viên ngân hàng cũng là người làm công, tiền của ngân hàng chứ không phải là tiền của họ. Họ chỉ có nhiệm vụ thu thập hồ sơ và bàn giao cho phòng Hỗ trợ tín dụng xử lý tiếp. Khách hàng có la mắng, có to tiếng chưa thấy tiền vào, cán bộ quản lý khách hàng cũng chỉ có thể ngậm ngùi mà dạ vâng, vì quyền quyết định xử lý hồ sơ nhanh hay chậm, không nằm trong tay họ.
>> Đằng sau con đường thăng tiến của cán bộ ngân hàng
Tôi vừa điểm sơ qua các vị trí cơ bản của một nhân viên ngân hàng. Không giống như những gì người ta nghĩ về nghề này là "việc nhẹ lương cao", "quần là áo lượt"... thực tế của nhân viên ngân hàng là một chuỗi ngày dài quanh quẩn không hồi kết, hết giờ mà chưa hết việc. Cuộc sống công sở của nhân viên ngân hàng không hề nhàn nhã như mọi người vẫn hay tô vẽ.
Quay trở lại vấn đề đã đặt ra ở đầu bài viết, liệu banker vẫn có thể kiếm thêm nghề tay trái? Theo tôi là không đơn giản. Bán bảo hiểm liên kết với ngân hàng, không được xem là nghề tay trái, vì đó cũng là chỉ tiêu bạn bắt buộc phải làm. Môi giới bất động sản cũng chỉ là nhất thời chứ không gọi là nghề vì không có tính ổn định. Và nếu bạn thấy một banker nào đó vẫn có thời gian làm chủ shop bán hàng online, luôn tích cực tương tác, thì có lẽ bạn cũng nên nhanh chân ứng tuyển ngay vào ngân hàng đó kéo mất cơ hội quý hơn vàng. Và cũng đừng quên dự phòng "một chân" bên ngoài để phòng khi bạn có thể bị sa thải bất cứ lúc nào.
Trần Thị Kim Ngân
>> Bạn đang làm ngân hàng và muốn chia sẻ ý kiến về công việc của mình? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.