(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Vợ chồng tôi đều là giáo viên, nuôi hai con đang tuổi học sinh, cũng là chủ doanh nghiệp phải trả lương nhân viên, vừa có nhà cho thuê, vừa đi thuê mặt bằng, lại cũng có một khoản nợ ngân hàng 1,5 tỷ đồng. Với những tranh cãi liên quan đến vấn đề tài chính trong thời buổi Covid, tôi có một số ý kiến từ góc nhìn cá nhân như sau:
Với nghề nghiệp giáo viên, hiện chúng tôi vẫn được trả lương đều đặn vì đang công tác ở trường công, có tham gia công việc dạy online. Tôi cảm thấy không đến nỗi vất vả lắm vì tương đối rành công nghệ và có sẵn giáo án trình chiếu ở bậc Cao đẳng, Đại học. Tuy nhiên, với giáo viên các cấp khác, hoặc giáo viên chỉ thường xuyên dạy bằng bảng đen phấn trắng, thì việc chuyển đổi này rất vất vả. Phải đầu tư nhiều, cả về thời gian, công sức, và đặc biệt tốn tiền để mua thêm các thiết bị hỗ trợ khác.
Con tôi đang học tại một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của TP HCM. Nhưng mãi đến thứ tư vừa qua, tức hai tháng sau khi nghỉ dịch, mà nhà trường mới bắt đầu có thể triển khai việc học online, thì cũng có thể hiểu công việc này không hề dễ dàng như mọi người vẫn nghĩ. Không phải ai dạy online cũng thành công được ngay, vì thực tế sử dụng công nghệ và thiết bị kết nối đối với phần đông thầy, cô còn nhiều lạ lẫm. Nên tôi nghĩ nếu ban đầu chất lượng bài giảng còn bập bõm theo như phản ánh của một số phụ huynh, thì chúng ta cũng nên thông cảm, có thể góp ý cho thầy, cô.
Do nhà trường vẫn trả lương giáo viên, và giáo viên vẫn làm việc, nên nếu có triển khai chương trình học online và các hỗ trợ giáo vụ khác, thì việc nhà trường thu một phần học phí để trang trải các khoản này là hợp lý.
>> 'Tiểu học không cần học online'
Đối với trường tư thục, vì tôi cũng là chủ doanh nghiệp (không phải trong ngành giáo dục) nên rất thông cảm cho hệ thống này. Việc gây dựng thành công hệ thống giáo dục là cả một quá trình, ngoài các loại thủ tục, giấy tờ như các tổ chức kinh doanh khác, họ còn phải có đội ngũ nhân lực với chứng chỉ, bằng cấp đúng chuyên môn và ở mức cao, hoàn thiện các loại hồ sơ về vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế, bảo hiểm học đường... theo tôi là rất phức tạp và không phải ai cũng làm được.
Đa số doanh nghiệp sẽ không ở trạng thái nguồn vốn dồi dào, ai chẳng biết môi trường kinh doanh luôn biến động, và chẳng mong cứ có tiền lời là bỏ ngay vào ngân hàng tích trữ hoặc mua vài miếng đất cho chắc ăn. Điều này chỉ xảy ra với các ngành độc quyền, ít cạnh tranh, lợi nhuận cao, hoặc doanh nghiệp có nhiều ưu thế như kinh doanh lâu đời, không phải đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, có tiềm lực tài chính mạnh, có nguồn tài nguyên đất đai... Còn nữa, đa số doanh nghiệp sẽ phải xoay xở với rất nhiều thứ. Với trường tư thục, kỳ này mình có lợi nhuận, thì chính là khoản kỳ sau phải tái đầu tư bàn ghế, thiết bị, máy móc, sơn sửa tân trang phòng ốc... để giữ chân khách hàng. Đối tượng khách hàng của trường tư luôn khó tính, và kém ổn định hơn so với trường công.
Các bạn nói khi bước ra làm ăn thì phải tính toán, phải có quỹ dự phòng rủi ro là đúng. Đây là mô hình kinh doanh bền vững mà mọi doanh nghiệp đều ao ước hướng tới. Nhưng trong thời buổi cạnh tranh cao, chi phí nhiều, thì quỹ này rất eo hẹp, thường bị cắt hết mức có thể để ưu tiên cho các khoản chi vận hành khác. Vì vậy, chúng ta nên hết sức thông cảm, họ đang ngồi trên đống lửa, mình không thông cảm được thì cũng đừng nói những câu vô cảm khiến người khác đau lòng.
Với vai trò là người cho thuê nhà, tôi nghĩ giảm một phần tiền cho thuê là hợp lý. Tôi đang làm như vậy dù ở phía ngược lại, tôi không xin giảm tiền thuê mặt bằng, vì biết người cho thuê là hai ông bà đã lớn tuổi không có lương hưu, gia đình người con trai chạy xe ôm, vợ nội trợ chăm hai cháu, nên đây là nguồn thu chính của họ để trang trải cuộc sống.
Về khoản vay ngân hàng, mọi người sẽ nói "Ai biểu ham hố vay làm chi, giờ lại kêu khổ". Thực tế đây là một khoản vay cấp bách, chứ không phải ham hố đầu tư bất động sản hay gì đó. Ai ở trong cảnh nhà thuộc diện giải tỏa sẽ biết, nhà mình đang ở tự nhiên có dự án quy hoạch, rồi treo đó chưa biết năm nào thực hiện. Nhà cũ nát, trên thấm dột, dưới nước ngập, không ở được, không sửa được, không bán được, không thế chấp được... chỉ cho thuê lại được với giá chẳng đáng là bao. Đó là lý do tôi vướng nợ ngân hàng, mới đủ tiền mua một căn khác cho vợ chồng, con cái có chỗ chui ra, chui vào tương đối tươm tất.
>> Gánh nặng trả nợ ngân hàng mùa dịch
Vấn đề lớn nhất trong bài viết này tôi muốn đề cập đến là vai trò của ngân hàng trong thời buổi Covid. Hiện khoản vay của tôi còn 1,5 tỷ đồng, mức lãi đang tính là 12,2 %/ năm, mỗi tháng cả gốc và lãi khoảng 22 triệu đồng. Cứ ngày 26 hàng tháng, nếu lỡ chưa kịp nạp vào tài khoản, thì y như rằng sáng 27 nhân viên ngân hàng sẽ gọi điện giục. Doanh nghiệp của tôi không thuộc diện phải đóng cửa, nhưng mở cửa thực tế cho vui vì cả thành phố đang ở nút tạm dừng, nên cũng chẳng làm ăn buôn bán được gì. Vì vẫn mở cửa, vẫn có nhân viên nên chi phí vận hành vẫn đều đều, chẳng cắt giảm được. Qua vài tháng, tôi bắt đầu rất lo vì thâm hụt thu chi, kéo dài thêm vài tháng nữa thì "chết chắc".
Khi nghe nói doanh nghiệp nhỏ sẽ có hỗ trợ với lãi suất ưu đãi, tôi liên hệ thử ngân hàng gần nhà. Nhưng câu trả lời là một loạt hướng dẫn chứng minh doanh nghiệp bị thiệt hại vì Covid, một loạt giấy tờ cần cung cấp, nhưng chốt hạ phải có giấy tờ đất thế chấp. Vậy cũng như không, vì giấy đất nhà tôi cái thì bị giải tỏa, cái thì mới chỉ có hợp đồng mua bán chưa ra sổ, mà cũng đang thế chấp ở ngân hàng kia rồi.
Bí quá, hôm qua tôi liên hệ ngân hàng nơi tôi đang vay, hỏi phía ngân hàng có hỗ trợ, giảm lãi được chút nào không? Nhân viên hẹn sẽ xuống khảo sát tình hình thực tế. Nếu doanh nghiệp "thuộc diện phải đóng cửa", thì sẽ chụp hình, còn nếu không chúng tôi sẽ phải cung cấp chứng từ hợp lệ, diễn giải doanh thu trước và sau Covid. Nhân viên sẽ mang về lập hồ sơ, trình các phòng ban, nếu được duyệt thì phía ngân hàng sẽ hỗ trợ giảm lãi 1%, và chỉ áp dụng từ tháng tiếp theo đến hết dịch Covid. Tôi nghe mà thấy nản, vì với tốc độ làm việc như vậy, tôi nghĩ khi hồ sơ mình được duyệt thì cũng sẽ là thời điểm hết dịch luôn rồi.
Tôi suy nghĩ mãi và thấy rất vô lý ở điểm này. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Trong khi Nhà nước phải chi rất nhiều tiền để cách ly, chữa trị Covid miễn phí, hỗ trợ an sinh xã hội đối với người yếu thế; toàn dân gom góp cơm gạo mắm muối hỗ trợ người khó khăn; ngàn ngàn doanh nghiệp lâm vào cảnh thu không đủ chi, mà vẫn cố gắng duy trì lương cho người lao động vì trách nhiệm nghề nghiệp; các y bác sĩ phải hy sinh cuộc sống cá nhân, thu nhập từ các nguồn làm thêm khác để tập trung vào công việc cứu chữa người bệnh... thì ngân hàng vẫn hàng tháng điềm nhiên thu lãi, mà chẳng có động thái thực sự thiện chí nào gọi là có trách nhiệm xã hội.
Thực tế, khi giảm bớt lãi suất, ngân hàng mới chỉ giảm lời chứ chưa bị âm vào vốn như các doanh nghiệp khác. Tôi nghĩ với tình hình mức độ giao dịch tại quầy rất thấp như hiện nay, giảm từ 30% lãi suất cũng không gây thiệt hại nhiều cho phía ngân hàng. Trong khi đây là nguồn lực rất lớn cho toàn xã hội, vì tất cả đều nằm trong một hệ sinh thái, mắt xích này khó khăn sẽ liên đới ngay đến mắt xích khác, làm cả chuỗi lung lay.
>> Duy trì kinh tế thế nào trong đại dịch
Người Việt rất chú trọng vấn đề nhà cửa, không ai muốn ở cảnh thuê mướn suốt đời, trong khi giá nhà đất lại quá cao, nên đa số trường hợp mua nhà là gắn liền với vay nợ. Với làn sóng khởi nghiệp rầm rộ trong những năm gần đây, rồi mô hình phát triển theo chuỗi, theo hệ thống đòi hỏi rất nhiều vốn ban đầu và chi phí vận hành hàng tháng; một lượng lớn bác tài phải đầu tư thiết bị, xe cộ để thích ứng với mô hình chạy xe công nghệ, thì có thể nói số lượng doanh nghiệp và cá nhân đang phải sử dụng đòn bẩy tài chính từ phía ngân hàng là rất lớn.
Người dân Việt Nam nhìn chung không có thói quen vay tiêu dùng trước rồi từ từ trả sau, đa số dù ít dù nhiều, ai cũng ráng dành dụm và có một khoản dự phòng khi rủi ro. Tuy nhiên, thật đau lòng nếu khoản dự phòng này thay vì để mua lương thực, thực phẩm nuôi sống cả gia đình cho những ngày cách ly xã hội dài hơi sắp tới, thì nay mỗi sáng thức dậy lại bị bốc hơi một khoản chỉ để trả lãi vay ngân hàng. Mọi chuyện sẽ khủng khiếp hơn khi đến ngày mọi nguồn tiền cạn kiệt, trong khi khoản lãi ngân hàng thì không được chậm ngày nào.
Từ bài viết này tôi cho rằng nếu thực sự muốn hỗ trợ người dân, bình ổn xã hội, cứu trợ cho các doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn này, thì phải có hướng dẫn rõ ràng, động thái "cởi trói" để chúng tôi tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính. Không thể chỉ nói chung chung là hỗ trợ trăm tỷ, ngàn tỷ nhưng đa số người dân và doanh nghiệp không biết tiếp cận từ đâu, khi tiếp cận được rồi thì mới biết mình thuộc diện "không đủ điều kiện".
Theo tôi, biện pháp tức thời là cắt giảm trực tiếp lãi suất cho mọi khoản vay hiện có, có thể ấn định luôn bao nhiêu % để người dân nắm rõ, tối thiếu phải là 30%. Trong thời điểm cấp bách này, không nên dùng công cụ điều chỉnh thông qua lãi suất huy động, vì trong công thức đã có 6% cố định rồi nên tỷ lệ giảm lãi thực tế chẳng được bao nhiêu, mà kỳ áp dụng điều chỉnh là ba tháng/ lần, nên nếu chưa đến kỳ thì khoản vay của mình cũng không được điều chỉnh.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây
Nguyễn Thị Mỹ Dung