Tôi sự rất đồng cảm với những bức xúc của tác giả Nguyễn Quảng Đức trong bài viết "Vay sáu tỷ, bị ngân hàng ép mua 70 triệu đồng bảo hiểm". Ngân hàng Nhà nước từng có văn bản 7928 vào tháng 11/2020, quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm vừa gửi đến các ngân hàng, yêu cầu các ngân hàng phải rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng. Thế nhưng, thực tế, việc người vay ngân hàng bị cài điều khoản phải mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân vẫn diễn ra thường xuyên mà không bị xử lý.
Hỏi một người bạn làm trong ngân hàng, tôi được biết tỷ lệ chiết khấu phí bảo hiểm nhân thọ khách hàng đóng trong năm đầu tiên cho các ngân hàng rất cao, dao động từ 15-50%. Ví dụ: bạn bán thành công một hợp đồng mà có tiền phí hàng năm là 20 triệu đồng, thì bạn sẽ được hưởng hoa hồng từ 3-10 triệu đồng. Khoản hoa hồng béo bở này rõ ràng trở thành miếng mồi ngon khiến các ngân hàng lao vào cuộc đua bán bảo hiểm. Đây trở thành nguồn doanh thu chủ yếu của các nhà băng, vượt xa nguồn lợi ít ỏi tới từ việc cho vay.
Bản thân các nhân viên ngân hàng cũng bị ép chỉ tiêu hoặc chạy theo các đợt thi đua với phần thưởng hậu hĩnh cho việc bán thật nhiều bảo hiểm. Vậy là một loạt các hình thức bán theo "combo" như gửi tiết kiệm, vay vốn hay mở tài khoản thanh toán kèm mua bảo hiểm nhân thọ ra đời. Cũng xin nói rõ rằng, bảo hiểm ở đây là bảo hiểm nhân thọ, chứ không phải bảo hiểm khoản vay. Về thực tế, nó chẳng liên quan gì đến chuyện đảm bảo giá trị khoản vay của bạn cả.
Bạn tôi tháng nào cũng than thở vì phải đau đầu chạy theo chỉ tiêu bán bảo hiểm. Không tư vấn, chào mời khách hàng đến gửi tiết kiệm, thì phải quay qua ép khách vay mua bảo hiểm để bù vào doanh số. "Biết là sẽ bị nhiều người mắng chửi sau lưng nhưng làm sao được khi không bán đủ sẽ bị phạt, trừ lương, còn bán được nhiều lại có thưởng lớn, ai mà không ham?", bạn tôi nói.
>> Vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm
Tôi hoàn toàn ủng hộ lợi ích và tính ưu việt của bảo hiểm nhân thọ. Cá nhân tôi và người thân trong gia đình cũng mua những gói bảo hiểm khác nhau phù hợp với từng đối tượng. Thế nhưng, mua bảo hiểm hay không là do tự nguyện của mỗi người, không thể có chuyện ngân hàng ép khách phải mua kèm bảo hiểm nhân thọ mới chịu giải ngân nhanh. Dù chẳng ngân hàng nào công khai nói là ép buộc nhưng nếu khách hàng không mua thì họ liên tục làm khó, không chịu giải ngân, vậy thì có khác gì nhau?
Tôi từng vạy 500 triệu đồng để mua ôtô trả góp, và bị nhân viên ngân hàng kêu phải mua gói bảo hiểm nhân thọ 50 triệu mới được giải ngân. Biết mình đang bị làm khó, tôi cũng quyết làm căng tới cùng, khẳng định "không giải ngân thì đi vay chỗ khác". Vậy là nhân viên ngân hàng đó bắt đầu thay đổi thái độ, chuyển sang tư vấn về lợi ích bảo hiểm, dùng lời mật ngọt, thậm chí cả năn nỉ để tôi chịu mua kèm khoản vay.
Thế nhưng, do bản thân đã mua bảo hiểm từ trước, đâu có nhu cầu mua thêm nữa làm gì cho phí, nên tôi một mực từ chối. Sau nhiều ngày thuyết phục không được, sếp ngân hàng gọi điện đề nghị hạ giá gói bảo hiểm xuống 30 triệu, 20 triệu không xong, cuối cùng phía nhà băng cũng đành xuống nước chịu thua tôi. Tôi được giải ngân khoản vay mà không phải mua thêm bảo hiểm.
Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn được như tôi bởi việc ngân hàng có chịu buông tha cho người vay hay không còn tùy thuộc vào họ đã đủ chỉ tiêu doanh số bán bảo hiểm tháng đó hay chưa nữa. Xét cho cùng, người đi vay cũng vẫn luôn ở vào thế bị động. Ai đang ở vào thế cần tiền ngay sẽ buộc phải cắn rang bỏ ra một khoản vài chục triệu đồng mua bảo hiểm rồi vứt đi, coi như phí giải ngân.
>> Vay ngân hàng theo kiểu 'bia kèm lạc'
Có nhiều người lý luận rằng "đâu ai ép bạn vay để rồi kêu ca chuyện phải mua bảo hiểm, không vay ngân hàng này thì qua ngân hàng khác". Thế nhưng, thực tế ở Việt Nam hiện nay, dù bạn có chạy qua cả chục ngân hàng khác nhau thì ở đâu họ cũng có cùng một bài ép mua bảo hiểm mà thôi. Bởi đây đã trở thành xu thế chung, là nguồn sống chính của các ngân hàng tại Việt Nam bây giờ. Họ luôn nắm đằng chuôi bởi là người có tiền. Chỉ có người cần tiền, phải đi vay là chịu thiệt.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.