Nhà tôi hầu như không có rác thải. Lý do là bởi mỗi khi đi chợ, tôi lại xách làn và mang hộp, túi từ nhà để đựng rau, thịt, cá... Đi siêu thị, tôi có bộ túi lưới năm kích cỡ dành để đựng đồ muốn mua. Thỉnh thoảng lắm, bất khả kháng tôi mới phải lấy những gói đồ đóng sẵn trong siêu thị. Thậm chí, đi mua đồ gia vị như tiêu, ớt, lạc, đậu, gạo... ngoài chợ, tôi cũng mang sẵn cái lọ đi để đựng rồi mang về, cất vào tủ luôn.
Mang hộp đi mua thịt, cá thực ra rất tiện vì khi mang về, bạn chỉ cần đổ tất cả ra chậu rửa rửa sạch rồi dùng chính hộp đó để ướp thức ăn luôn. Đằng nào bạn cũng phải sơ chế đồ ăn, vậy tại sao phải tốn thêm một vài cái túi nilon để đựng rồi sau đó lại đem cái túi ướt nhẹp, hôi hám ấy đi vứt. Ai mua thịt cá về mà chẳng vứt túi đựng ngay đúng không? Gặp hôm nào nóng bức, cái túi bốc mùi lên thì có khi cả nhà ám mùi, muốn nôn luôn ấy chứ.
Với thức ăn thừa, tôi không đem vứt bỏ mà ủ phân rồi trộn vào đất để trồng rau sạch. Tôi có một khu vườn nhỏ nên để sẵn một cái thùng ở góc vườn. Mọi thứ thức ăn thừa hay lá rau, vỏ trứng, tôi cho hết vào thùng, thêm nấm vi sinh rồi đậy kín lại. Nói chung làm theo kiểu này cũng sẽ có một chút mùi, nhưng tôi ở trong không gian thoáng nên không thấy bị ảnh hưởng gì hết.
Sau vài tháng, khi đồ ăn mủn ra, tôi dùng xẻng xúc trộn với đất, thêm chút phân gà, phân bò hữu cơ, và trộn đều lên để trồng rau. Nhờ đó mà rau nhà tôi trồng dù chỉ có chục mét vuông mà ăn mãi không hết, có khi còn phải cho bớt hàng xóm nữa. Rau tự trồng sạch sẽ và ngon ngọt, rất khác so với rau ngoài chợ.
Nhờ thói quen sinh hoạt như vậy mà cả tháng may ra nhà tôi mới gom được ít túi nilon, mà chủ yếu là túi đựng đường, túi đựng mì ăn liền, miến khô... đóng sẵn của nhà sản xuất chứ không phải loại túi có quai xách dùng để đựng đồ mua về. Đi đâu chơi cũng thấy rác thải, nilon, hộp xốp tràn ra đường, ra biển, bản thân tôi thực sự thấy rất buồn, đi kèm với một cảm giác bất lực. Bởi không phải ai cũng có cùng tư tưởng hạn chế dùng đồ nhựa, túi nilon và không vứt đồ ăn thừa như tôi.
Giờ đây, được biết nhà nước mới ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tôi rất vui và nhiệt liệt ủng hộ. Mong rằng, những chế tài chi tiết sẽ giúp người Việt thay đổi được hành vi. Nếu làm thật nghiêm túc và triệt để, tôi tin những kết quả tích cực sẽ đến. Nói chung, chuyện phân loại rác và hạn chế dùng đồ nhựa chẳng phải thứ gì đó quá cao siêu, cứ muốn là làm được hết. Chỉ là chúng ta có thực sự muốn làm đến cùng hay không mà thôi.
Theo Nghị định 45/2002, có hiệu lực từ ngày 25/8 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị, chung cư, tòa nhà văn phòng bị phạt từ 200 đến 250 triệu đồng nếu không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt.
Mức phạt từ 250 đến 300 triệu đồng áp dụng đối với hành vi không tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân; không bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong khuôn viên của dự án đầu tư.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.