Bài viết Thức ăn trong thùng rác của tác giả Nguyễn Đặng Anh Thi có đưa ra những giải pháp tuyệt vời của Hàn Quốc khi xử lý rác hữu cơ. Tuy nhiên, để áp dụng tại Việt Nam thì sẽ mất rất nhiều thời gian bởi một việc vô cùng khó khăn là thay đổi "não trạng" của người dân về việc phân loại rác tại nguồn.
Tôi xin chia sẻ giải pháp giảm rác thải hữu cỏ ra môi trường mà quê tôi ở Bắc Ninh đang áp dụng khá hiệu quả.
Từ nhiều năm trước, vấn đề môi trường ở quê tôi đã được quan tâm đặc biệt. Một trong những chủ trương tốt là khuyến khích các hộ gia đình sử dụng bể biogas thay cho bể phốt. Hộ gia đình nào xây bể biogas hoặc dùng bể biogas composite sẽ được tỉnh hỗ trợ ít nhất là 5 triệu đồng.
Khi có chủ trương như vậy, rất nhiều gia đình quê tôi đã dùng bể biogas thay cho bể phốt. Và hiệu quả vô cùng tích cực mà có thể dễ dàng nhận thấy:
- Đối với những hộ gia đình chăn nuôi lớn, bể biogas có tác dụng xử lý lượng lớn chất thải của động vật chăn nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và để thành khí đốt hoặc điện thắp sáng.
- Đối với hộ gia đình nhỏ, bể biogas cũng có tác dụng. Gia đình tôi là một ví dụ. Với chất thải nhựa, giấy, gia đình tôi thu gom bán phế liệu; với rác thải hữu cơ như rau, củ quả hỏng hay thức ăn thừa nếu có (điều này ít có do gia đình tôi ít để xảy ra chuyện còn thức ăn thừa) sẽ được thu gom để đổ xuống bể biogas.
Dù là bể biogas nhỏ thay cho bể phốt gia đình nhưng lượng khí gas hàng ngày vẫn đủ cho gia đình tôi đun được ít nhất một siêu nước 5 lít. Gia đình tôi từ khi có bể biogas, lượng rác thải ra môi trường là rất ít, thậm chí có ngày...không có rác luôn. Môi trường nhờ đó mà được xanh, sạch, đẹp hơn.
Qua thực tế sử dụng, tôi nhận thấy bể biogas có tác dụng rất tích cực trong việc bảo vệ môi trường, có cả lợi ích kinh tế nữa. Bởi vậy nếu nơi nào khuyến khích dùng bể biogas thì mọi người nên hưởng ứng, còn nơi nào chưa có điều kiện khuyến khích thì mọi người hãy nên mạnh dạn sử dụng.
Bên cạnh việc dõi theo quyết sách vĩ mô, mỗi chúng ta liệu có trách nhiệm hơn với thùng rác nhà mình? Hạn chế bỏ thực phẩm, sẵn sàng phân loại chúng thay vì túm tất cả trong một túi nylon. Và hãy nên sử dụng bể biogas nữa.
Ngoài ra nhân bàn chuyện về bảo vệ môi trường tôi xin chia sẻ thêm một giải pháp rất hữu dụng mà gia đình tôi đang áp dụng. Đó chính là vấn đề về nước thải sinh hoạt. Bình thường nước thải sinh hoạt nếu không chảy qua bể phốt thì sẽ xả thẳng ra môi trường. Điều đáng buồn, rất nhiều nước thải sinh hoạt trên cả nước đều xả thẳng ra môi trường khi chưa qua xử lý. Thậm chí là rất nhiều khu đô thị mới to đẹp, hoành tráng đã/đang được xây dựng hay đã đưa vào sử dụng đều không có nơi xử lý.
Như thế thì những con sông như Tô Lịch ở Hà Nội, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ở Sài Gòn làm cách nào để sạch được đây? Môi trường làm thế nào để xanh, sạch, đẹp?
Ý thức được điều này nên nhà tôi dù ở nông thôn nhưng nước thải sinh hoạt của gia đình hoàn toàn toàn không có chuyện xả trực tiếp ra môi trường. Trên đường dẫn nước thải gia đình nhà tôi có xây thêm một hố ga - bể phốt nhỏ.
Nước thải sinh hoạt của gia đình trước khi xả ra môi trường được lắng cặn qua bể phốt này, khi ra ngoài môi trường nó đã được làm sạch một phần. Từ thực tế này tôi mong rằng các địa phương có thể khuyến nghị (thậm chí là bắt buộc) các hộ gia đinh/ cơ quan/ xí nghiệp... nên xây bể phốt - hố ga trên đường dẫn nước thải sinh hoạt trước khi xả ra môi trường, chứ không được xả trực tiếp khi chưa qua xử lý như hiện nay. Điều này cũng chính là góp phần làm cho môi trường sống của chúng ta trở lên xanh - sạch - đẹp.
Phạm Xuân Anh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.