Tôi và cô bạn thân từ cấp một đang có một cuộc tranh luận gay gắt về rác thải nhựa. Bạn tôi đang tái sử dụng những túi nilon trong nhà bằng cách rửa sạch, phơi khô, khi cần dùng trong nhà hay mua đồ ở ngoài thì mang theo. Nhưng tôi không đồng ý với cách làm đó. Hằng ngày, tôi hạn chế ngay từ đầu vào, mua gì cũng hạn chế ít túi nilon nhất có thể. Thế mới biết vấn đề rác thải nhựa hiện tại đã "nóng" như thế nào?
Mỗi sáng, tôi thường uống một ly sữa đậu hoặc nước ép trái cây, mua ở các quán vỉa hè và mang lên cơ quan. Với mỗi người khách, quán dùng một túi nilon đựng sữa hoặc nước ép, một ống hút nhựa, và một túi nilon có quai đeo bọc ngoài cùng để treo vào xe. Tổng cộng có 3 thứ rác nhựa dùng một lần thải ra môi trường cho một lượt giải khát buổi sáng, nhân lên tầm hơn 100 khách cho mỗi quán. Đó chỉ là một trong hàng chục quán nước trước khu công nghiệp nơi tôi làm việc, thế nên chẳng ngạc nhiên gì khi Việt Nam là một trong những nước đứng top đầu về lượng rác thải nhựa.
Theo Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khoảng 300 triệu tấn rác nhựa được thải ra môi trường mỗi năm, trong đó 8 triệu tấn rác thải trôi ra các đại dương. Trong đó Việt Nam đứng thứ 17 về lượng rác thải nhựa, với 18 nghìn tấn mỗi ngày, và đứng thứ 5 về lượng rác thải nhựa ra biển, với 1,8 triệu tấn mỗi năm.
>> Không dùng ly, ống hút nhựa - ý nghĩa hay chạy theo phong trào?
Tác hại của rác thải nhựa, tới môi trường xung quanh và đặc biệt là các đại dương, không phải bàn cãi nữa. Đó thực sự là một vấn đề cấp bách. Ngày càng có nhiều báo đài, các bài viết trên mạng xã hội đưa tin về vấn đề này. Đã nhiều khu vực ở Việt Nam bắt đầu hạn chế rác thải nhựa như Hạ Long, Cù Lao Chàm... Ở Đà Nẵng, nơi tôi sống hiện đã có những người đều đặn nhiều năm nay lặn vớt rác trên các rặng san hô ngoài biển, và trong lúc tôi gõ bài viết này thì những người bạn của tôi trong hội chạy bộ đang nhặt những túi rác nilon ở núi Sơn Trà. Đó quả là những việc đáng trân trọng và dấu hiệu tích cực cho phong trào hạn chế rác thải nhựa. Nhưng làm sao để đây không chỉ là một "phong trào" mà trở thành một thói quen lại là cả một vấn đề.
Trở lại với câu chuyện đồ uống mỗi sáng của tôi ở trên, từ cách đây hơn một năm, tôi mua nước uống như mỗi sáng kèm câu: "Dì bán cho con một ly, không ống hút và không túi nilon treo ngoài". Dì bán nước thoáng ngạc nhiên rồi cười: "À, hạn chế ống hút nhựa phải không?". Tất nhiên, vậy vẫn còn một túi nilon đựng trực tiếp để đem lên cơ quan. Nhưng ít ra, tôi đã giảm bớt 2/3 lượng rác thải nhựa mỗi sáng mình thải ra, và gieo vào đầu dì bán nước ý thức về hạn chế đồ nhựa.
>> 'Tẩy chay ly, ống hút nhựa chỉ là giải pháp tình thế'
Có nhiều giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa, nhưng trước khi trông chờ nước ta có thể phân loại rác từ nguồn, tái chế, biến rác thành năng lượng như nhiều nước khác, tôi hy vọng những bạn đang đọc bài viết này và những người xung quanh hãy dần chú ý hơn về những việc có thể phát sinh ra rác thải nhựa hằng ngày của mình. Nếu uống nước ở quán mà không cần ống hút, hãy nhờ quán đừng bỏ vào. Nếu mua một món đồ ở quán tạp hóa có thể bỏ vào ba lô hay cốp xe thì hãy từ chối túi nilon. Mỗi lần đi siêu thị hãy nhắc nhân viên đừng chia ra nhiều túi quá, đựng chung vào túi lớn, và những túi đựng đồ sạch có thể tái sử dụng 1,2 lần ở nhà trước khi thải đi. Chỉ là việc giảm đi một túi nilon, một cái ống hút, nhưng chẳng phải có câu: "Đừng thấy việc tốt nhỏ mà không làm" hay sao?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.