Câu chuyện "mức lương tối thiểu không đủ sống" đang là chủ để tranh cãi trong thời gian gần đây. Rất nhiều người cho rằng, năng suất lao động thấp thì doanh nghiệp chỉ có thể trả lương được có vậy. Bản thân các doanh nghiệp cũng vin vào mức lương tối thiểu của vùng để trả lương, gây nên những bất cập.
Giá trị lao động thấp phần lớn chính là do doanh nghiệp đầu tư và quản lý sản xuất kém, từ đó dẫn đến tình trạng năng suất lao động trong sản xuất thấp. Các bạn có bao giờ tự hỏi nhiều công ty tuyển công nhân với trình độ tối thiểu là "biết đọc, biết viết" nhưng sao họ vẫn trả cao hơn những công ty khác không?
Trong khi đó, nhiều chủ doanh nghiệp thực sự làm ăn có lãi cao, nhưng cố tình trả lương và đãi ngộ thấp.
Tôi thực sự muốn chúng ta phải nâng cao cái gọi là tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ và tiêu chuẩn về môi trường làm việc của các doanh nghiệp... Điều này sẽ ép các doanh nghiệp phải đầu tư theo chuẩn, từ đó tạo ra cơ hội việc làm cho những nhóm ăn theo. Ví dụ, yêu cầu nhà hàng đảm bảo có khu vực hoặc đồ dùng thái, rửa đồ tươi sống, tách riêng với đồ chín, như vậy những người bán dao, thớt, rổ, rá sẽ bán thêm được hàng...
Tiêu chuẩn càng nhiều thì đầu tư càng nhiều, nó giúp gia tăng dòng tiền, lại đảm bảo vệ sinh an toàn, thúc đẩy nhu cầu xã hội. Phần quan trọng là các tiêu chuẩn này sẽ thúc đẩy người ta phải học hỏi, sáng tạo, phải lao động chất lượng hơn và năng suất hơn.
>> Nên giảm trừ gia cảnh nhiều hơn cho lao động thành thị?
Hãy thử hình dung ở chính doanh nghiệp của các bạn, khi phải chạy theo một tiêu chuẩn nào đó (như ISO), bạn sẽ thấy mình học hỏi thêm được những gì, phải đầu tư những gì, giá trị của nó tăng lên thế nào khi so với việc không chạy theo tiêu chuẩn nào? Có thể thấy, rất nhiều người được hưởng lợi từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho công ty bạn để tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn ISO đó.
Cái khó nhất là chính sách đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn, bởi họ phải đầu tư nhiều hơn nên giá sản phẩm cao hơn. Thế nên, họ sẽ khó cạnh tranh được với những doanh nghiệp không tuân thủ quy chuẩn (điểm đen là họ bỏ tiền mua chứng chỉ chứ không đầu tư). Vì vậy, rất cần phải có cơ chế kiểm tra, phạt nặng của cơ quan chức năng với các doanh nghiệp để đảm bảo công bằng. Đồng thời, người tiêu dùng cũng phải kiên quyết nói "không" với hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Mặt khác, việc đòi hỏi chế độ cho nhân viên cũng là điều kiện để doanh nghiệp yêu cầu ngược lại người lao động về năng suất làm việc. Khi doanh nghiệp không có cách để tăng thu nhập cho nhân viên, rồi cũng không thể tăng được năng suất lao động, nó sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn, không thể phát triển.
>> 'Làm thêm giờ để tăng thu nhập là thất sách'
Đúng là doanh nghiệp không cần phải có trách nhiệm trả lương cao cho nhân viên, và cứ theo hợp đồng mà trả. Nhưng làm vậy cũng chỉ khiến nhân viên làm việc thiếu động lực, không chịu học hỏi để tăng năng suất và tăng lương, chỉ trông chờ vào tăng ca. Cái vòng luẩn quẩn đó chính là do doanh nghiệp tự tạo ra. Nếu cứ chiếu theo luật, chiếu theo quy định, chiếu theo hợp đồng thì người lao động lấy gì làm động lực tăng trưởng. Không có cách để tạo động lực cho nhân viên, đấy là sự yếu kém của doanh nghiệp.
Như ở trên tôi đã nói, quy trình làm việc của công ty ảnh hưởng rất lớn tới năng suất làm việc của người lao động. Cái quy trình này được tạo ra bởi nhóm nhân viên có chuyên môn mà công ty đang trả theo năng lực và năng suất của họ. Vậy nếu doanh nghiệp không quản lý được nhóm có chuyên môn dẫn đến hệ thống vận hành kém hiệu quả, điều đó kéo theo những người lao động phổ thông bên dưới cũng sẽ làm kém theo, vậy lỗi này thuộc về ai?
Với nhóm công nhân, khi đã làm đúng theo quy trình, tuân thủ các quy tắc, làm đúng và đủ giờ, họ xứng đáng được nhận mức lương ít nhất là đủ cho cuộc sống của họ (cố gắng hơn thì nhận hơn, nhưng đó là ở một câu chuyện khác).
Minh Tran
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.